Đề bài
Câu 1: (2.0 điểm)
Đọc kĩ đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới
“Nếu có thể đo xương máu tiền nhân
Trường Sơn ngút ngàn dễ gì đo được
Bao người mẹ, người vợ, người em – nước mắt
Hồng Hà, Cửu Long đâu thể sánh cùng”
(Trích Tổ quốc, Nguyến Thế Ký, nguồn: thanhnien.vn)
a. Thông hiểu
Xác định và nêu tác dụng biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên.
b. Thông hiểu
Nhận xét trật từ sắp xếp trật tự từ trong hai câu thơ: “Bao người mẹ, người vợ, người em – nước mắt/ Hồng Hà, Cửu Long đâu thể sánh cùng”
Câu 2: (3.0 điểm) Vận dụng cao
Đọc câu chuyện sau:
CÂU CHUYỆN VỀ CHIẾC ĐIỆN THOẠI
Sáng hôm đó, một ông lão đến cửu hàng sửa điện thoại. Tôi cẩn thận kiểm tra chiếc điện thoại nhưng vẫn không tìm ra lỗi nào. Tôi nói với ông mọi thứ vẫn ổn, điện thoại vẫn chạy tốt.
Ông lão nhìn tôi rơm rớm nước mắt rồi hỏi: “Thế tại sao từ lâu rồi lão không nhận được cuộc điện thoại nào của con lão”.
Tôi chết lặng trước câu hỏi của ông …
(Theo Quà tặng cuộc sống)
Hãy viết bài văn ngắn (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em sau khi đọc câu chuyện trên.
Câu 3: (5.0 điểm) Vận dụng cao
Từ quan niệm của Chế Lan Viên về chất muối trong mỗi vần thơ:
“Cái kết tinh của một vần thơ và muối bể
Muối lắng ở ô nề và thơ đọng ở bề sâu”
(Đối thoại mới – Chế Lan Viên)
Em hãy tìm thứ “muối thơ” qua một số bài thơ em biết.
Lời giải chi tiết
Câu 1.
a.
Phương pháp: căn cứ các biện pháp tu từ đã học
Cách giải:
- Liệt kê:
+ người mẹ, người vợ, người em;
-> Tác dụng: Nhấn mạnh đối tượng của sự hy sinh.
+ Trường Sơn, Hồng Hà, Cửu Long.
-> Tác dụng: Khẳng định công lao to lớn và sự mất mát đau thương của những tiền nhân cho Tổ quốc.
- So sánh: Trường Sơn ngút ngàn dễ gì đo được; Hồng Hà, Cửu Long đâu thể sánh cùng.
=> Nhấn mạnh nỗi đau, sự mất mát không gì có thể sánh nổi đồng thời ca ngợi công lao của tiền nhân đối với đất nước.
b.
Phương pháp: căn cứ Lựa chọn trật tự từ trong câu
Cách giải:
- Bao người mẹ, người vợ, người em được đảo lên trước từ “nước mắt”: trật tự này biểu hiện sự nhấn mạnh về đối tượng chịu nhiều đau thương, mất mát.
- Hồng Hà, Cửu Long: trật tự này biểu hiện thứ tự của sự vật – trình tự không gian từ Bắc vào Nam
=> Tác dụng: Nhấn mạnh sự hy sinh lớn lao, cao cả của các bậc tiền nhân cho Tổ quốc đồng thời ca ngợi công lao của họ và thể hiện niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước thiết tha.
Câu 2.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
*Nêu vấn đề: Mối quan hệ của con cái với cha mẹ.
*Giải thích vấn đề:
- Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ huyết thống và cùng với quan hệ vợ - chồng, anh- em nó cũng là mối quan hệ cơ bản cấu thành một gia đình.
- Giữa cha mẹ và con cái cần có sự quan tâm, chăm sóc, sẻ chia và yêu thương lẫn nhau. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con cái trưởng thành và con cái cần phải báo hiếu với cha mẹ.
- Câu chuyện trên phản ánh một thực trạng trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái là sự lỏng lẻo, con cái vô tâm, không quan tâm, chia sẻ với cha mẹ.
*Phân tích, bàn luận vấn đề:
- Vai trò của sự quan tâm, sẻ chia giữa cha mẹ và con cái:
+ Sự quan tâm, sẻ chia giữa con cái và cha mẹ làm cho mối quan hệ trở nên bền chặt, khăng khít hơn.
+ Quan tâm, sẻ chia của con cái với cha mẹ còn là biểu hiện của lòng hiếu thảo và sự tôn kính.
- Hiện nay, trong xã hội hiện đại, sự quan tâm, sẻ chia giữa con cái và cha mẹ trở nên mờ nhạt, không còn diễn ra thường xuyên.
- Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên:
+ Do những biến chuyển của xã hội về nhiều mặt, trong đó có mặt văn hóa – tư tưởng. Chữ hiếu, chữ tình, chữ nghĩa dường như không được coi trong như xưa. Chính vì vậy con người thiếu trách nhiệm đối với gia đình và những mối quan hệ ruột thịt.
+ Sự phát triển của xã hội với nền kinh tế thị trường làm gia tăng nhu cầu muốn tự khẳng định mình của mỗi cá nhân làm cho sự cách biệt giữa các thế hệ càng lớn, mỗi người trở nên ích kỉ hơn và ít quan tâm nhau hơn trong gia đình.
+ Con cái và cha mẹ đều bận rộn, ít có thời gian bên nhau, tâm sự, chia sẻ để hiểu nhau hơn nên sự cách biệt về tâm lý càng lớn.
+ Các bậc cha mẹ nhiều khi còn nặng về tư tưởng công lao, sự áp đặt trong suy nghĩ khiến các con bị ức chế và muốn thoát ra ngoài ảnh hưởng của cha mẹ => mối quan hệ rạn nứt.
- Giải pháp khắc phục:
+ Rút ngắn khoảng cách thế hệ. Biện pháp này chỉ thực sự được thực hiện khi có sự cố gắng của cả cha mẹ và con cái. Cha mẹ và con cái nên dành nhiều thời gian cho nhau để chia sẻ, để tâm sự cùng nhau. Sự khác biệt về thế hệ là điều có tồn tại, tuy nhiên cha mẹ cần tìm cách khắc phục nó bằng cách thấu hiểu con trẻ và con cái cần cảm thông cho cha mẹ về những suy nghĩ đã lâu đời.
+ Mỗi người cần nâng cao trách nhiệm của mình với gia đình, với người thân, cần nhận biết rõ rằng gia đình mới là nhân tố chính tạo nên sự hạnh phúc và bình yên của mỗi cá nhân. Khi nhận thức được điều đó, mỗi người sẽ tự biết mình cần làm gì để các mối quan hệ trong gia đình trở nên tốt đẹp hơn.
*Liên hệ bản thân:
Em đã làm gì để cải thiện mối quan hệ của mình với cha mẹ? Hãy chia sẻ đôi điều với bạn bè của mình về quan hệ giữa mình và cha mẹ để giúp các thế hệ cùng trang lứa với mình hiểu nhiều về gia đình mình hơn.
Câu 3.
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Giới thiệu chung
2. Giải thích nhận định
- Câu thơ của Chế Lan Viên để nói về hành trình sáng tạo nghệ thuật và giá trị của thơ ca chân chính.
- Tác giả dùng hình ảnh muối kết tinh để nói về hành trình sáng tạo nghệ thuật. Để có một hạt muối trăng trẻo, có giá trị phải trải qua biết bao công đoạn nhọc nhằn. Sáng tạo nghệ thuật cũng tương tự như vậy, người nghệ sĩ phải lao động nghiêm tục, không ngừng sáng tạo nên có được những bài thơ kết tinh về nội dung và nghệ thuật. Chất thơ cũng chính là kết tinh tài năng, tư tưởng của người nghệ sĩ.
=> Nhận định đã khẳng định giá trị của một tác phẩm chân chính phải hội tụ đầy đủ ở cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật
3. Phân tích, chứng minh.
- Học sinh có thể lựa chọn vài tác phẩm đã học trong chương trình lớp 9 để chứng minh cho nhận định: Làng, Sang thu,…
- Với mỗi tác phẩm học sinh cần phát hiện những điểm mới mẻ trên cả hai phương diện Nội dung và Nghệ thuật.
Ví dụ: Tác phẩm Làng – Kim Lân
- Nội dung
+ Niềm tự hào, nỗi nhớ về làng cũng mang nét mới: Xa làng đi tản cư, ông Hai nhớ làng, vẫn giữ thói quen khoe làng, tự hào về làng .
+ Ông gắn danh dự của mình với danh dự của làng, cho thấy sự gắn bó sâu sắc với làng, với nước bằng tất cả niềm vui, nỗi buồn.
+ Thái độ thù làng Chợ Dầu theo Tây, làm Việt gian thể hiện tình cảm với làng, với nước rất rạch ròi, quyết liệt: làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù. Đó là một nhận thức mới mẻ, sáng suốt, cho thấy người nông dân đã biết đặt danh dự, lợi ích của dân tộc lên trên hết.
+ Người nông dân còn biết hi sinh đến tận cùng cho cuộc kháng chiến, dù tài sản bị đốt nhưng ông vẫn vô cùng hạnh phúc bởi danh dự của làng của bản thân đã được khôi phục.
- Nghệ thuật
+ Xây dựng tình huống truyện tự nhiên, bất ngờ, cảm động, tạo ra bước ngoặt về tâm lí, làm nổi bật nhân vật...
+ Miêu tả tâm lí nhân vật chân thực, phong phú, sống động, điển hình.
+ Lựa chọn chi tiết tự nhiên, chân thực nhưng rất tinh tường khiến cho nhân vật hiện lên có những nét ấn tượng riêng (kể cả ngoại hình và nội tâm).
+ Ngôn ngữ dân dã, bình dị, tự nhiên rất phù hợp với nhân vật: có sự hài hòa giữa ngôn ngữ độc thoại và đối thoại làm nổi bật tâm trạng nhân vật.
=> Truyện ngắn Làng đã phát hiện ra những nét mới mẻ trong lòng yêu nước của nhân vật ông Hai. Để có những phát hiện mới mẻ này tác giả đã phải tìm tòi, nghiên cứu một cách cẩn trọng. Đồng thời có sự gắn bó, am hiểu tâm lí người nông dân sâu sắc.
4. Bàn luận
- Đây là quan điểm hết sức chính xác về hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ.
- Để có những tác phẩm giàu cảm xúc, có giá trị đòi hỏi người nghệ sĩ phải lao động nghệ thuật nghiêm túc, say mê và không ngừng sáng tạo.
- Mọi sáng tạo phải bắt rễ, đào sâu từ hiện thực cuộc sống và đem những gì tinh túy nhất của cuộc sống vào trong tác phẩm.
Nguồn: Sưu tầm
Bài giảng ôn luyện kiến thức cuối học kì 1 môn Tiếng Anh lớp 9
Đề thi giữa kì 1 - Sinh 9
Đề thi vào 10 môn Văn Đồng Tháp
SOẠN VĂN 9 TẬP 1
Đề kiểm tra 15 phút - Học kì 1 - Sinh 9