Dàn ý
Mở bài: Giới thiệu đồ vật em định tả
- Đồ vật đó là gì?
- Em thấy đồ vật đó ở đâu?
Thân bài:
- Đặc điểm của đồ vật:
+ Hình dáng
+ Kích thước
+ Màu sắc
+ Họa tiết trang trí
- Công dụng của đồ vật đó
- Em và đồ vật đó có kỉ niệm gì?
Kết bài: Tình cảm của em với đồ vật
Bài siêu ngắn
Bài tham khảo 1:
Diều của người lớn làm bằng cả dây tre, to mất người khiêng. Lúc thả lên trời cánh diều khổng lồ ấy chao lắc như đảo đồng, ở dưới đất, đám người lớn có vẻ bị lùn đi một chút, đang ăn thua nhau từng tấc một…
Cánh diều của trẻ con chúng tôi mềm mại như cánh buồm, thanh sạch vì không hề vụ lợi. Trong khi người lớn chạy bật móng chân để rong diều thì đám mục đồng chúng tôi sướng phát dại nhìn lên trời. Sáo lông ngỗng vi vu trầm bổng. Sáo đơn rồi sáo kép, sáo bè… như gọi thấp xuống những vì sao sớm.
Ban đêm trên bãi thả diều thật không còn gì huyền ảo hơn. Có cảm giác diều đang trôi… Người lớn về dần, bỏ mặc chúng tôi với bầu trời thảm nhung khổng lồ. Chúng tôi chỉ còn có trăng, sao và những cánh diều – “ Bay đi, diều ơi, bay đi…!”
Bài tham khảo 2:
Trống đồng Đông Sơn đa đạng không chỉ về hình dáng, kích thước mà cả về phong cách trang trí, sắp xếp hoa văn. Giữa mặt trống đồng bao giờ cũng có hình ngôi sao nhiều cánh tỏa ra xung quanh. Tiếp đến là những hình tròn đồng tâm, hình vẽ công nhảy múa, chèo thuyền, hình chim bay, hươu nai có gạt…
Nổi bật trên hình ảnh hoa văn cánh đồng là hình ảnh con người hòa với thiên nhiên. Con người lao động, đánh cá, săn bắn. Con người đánh trống, thổi kèn – con người cầm vũ khí bảo vệ quê hương và tưng bừng nhảy múa mừng chiến công hay cảm tạ thần linh,… Đó là con người thuần hậu, hiền hòa, mang tính nhân văn sâu sắc. Bên cạnh và xung quanh con người đầy đầy ý thức làm chủ ấy là cánh cò bay lả, bay la, những chim Lạc, chim Hồng, những đàn cá lội tung tăng,… Đó đây hình tượng ghép đôi muông thú, nam nữ còn nói lên sự khao khát cuộc sống ấm no, yên vui của người dân.
Các bài mẫu
Bài tham khảo 1:
Trong gian phòng khách nhà em có nhiều vật dụng được trưng bày. Trên tường có nhiều tranh ảnh nhưng em thích nhất là tấm bản đồ Việt Nam. Mỗi khi học bài xong, em thường quan sát tấm bản đồ này.
Tấm bản đồ có kích thước bằng mặt bàn của giáo viên. Trên bản đồ dường như có ít nhất là năm màu cơ bản. dùng để biểu đạt sự phân bố địa hình của các vùng trong cả nước. Màu xanh nhạt và đậm dần về phía đông là màu của biển cả đại dương. Màu xanh lá mạ là vùng đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và ven biển miền Trung. Màu gạch là màu đồi núi cao nguyên. Càng đậm bao nhiêu là sự biểu hiện địa hình càng cao bấy nhiêu so với mặt biển. Nhờ vào độ đậm nhạt của các màu sắc mà em có thể nhận biết được đặc điểm địa hình trong cả nước.
Ở ngoài khơi xa, tính từ cực Nam của Nam Bộ nhìn về hướng biển Đông là quần đảo Trường Sa nổi lên giữa màu xanh của biển cả, bằng những chấm nhỏ màu gạch nung, ở đấy có các đơn vị bộ đội hải quân ngày đêm canh gác để giữ gìn mảnh đất của cha ông ngàn năm để lại. Người ta gọi đất nước mình là bán đảo quả không sai. Từ Trà Cổ tỉnh Quảng Ninh chúng ta men theo bờ biển cong cong dịu dàng, thon thả hình chữ “S” đến điểm cuối cùng của cực Nam Tổ quốc là mũi Cà Mau, biển vẫn dạt dào vỗ sóng theo chiều dài trên hai ngàn cây số, rồi biển tiếp tục rẽ ngoặt bao lấy địa phận tỉnh Kiên Giang, biển vỗ sóng bốn bề xung quanh đảo Phú Quốc. Trong màu xanh da trời bạt ngàn ấy có một vùng nổi lên màu xanh dương hình ông Gióng đang cưỡi ngựa bay về trời. Có lẽ nơi này là chỗ sâu nhất ở biển Đông. Đúng là đất nước mình cong cong hình chữ s nhưng em cũng thấy nó giống như một con rồng khổng lồ đang bay vút lên không trung người ta gọi là thế “rồng thăng”. Nhìn từ Bắc tới Nam, mỗi vùng đều được thể hiện một sắc màu riêng biệt. Thành phố Hà Nội - Thủ đô của cả nước được tô màu hồng phấn. Thành phố mang tên Bác màu gạch nung. Các tỉnh Nam Bộ, Bắc Bộ màu xanh lá mạ. Trên tấm bản đồ em cũng thấy được dòng chảy của các con sông. Tất cả dường như đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ rồi uốn lượn như một dải lụa màu ngọc bích đổ ra biển Đông. Con sông Hồng chở nặng phù sa bồi đắp cho đồng bằng Bắc Bộ ngày một thêm trù phú. Và ở kia, con sông Cửu Long xoè chín nhánh bồi đắp phù sa màu mỡ cho đồng bằng Nam Bộ - vựa lúa của Tổ quốc.
Nhìn lên tấm bản đồ, em càng thấy yêu Tổ quốc mình hơn. Từ những đỉnh núi cao ngất của dãy Trường Sơn hùng vĩ cho đến những dòng sông vỗ cánh hiền hoà, từ miền cao nguyên đất đỏ với những rừng cà phê bạt ngàn cho đến những vùng cát trắng miền Trung... tất cả đều gợi lên trong em một dáng hình, một thế đứng ngàn đời, thế đứng của một con rồng đang cất mình bay lên.
Bài tham khảo 2:
Bộ xa-lông bằng gỗ lát hoa để ở phòng khách là kỉ vật của ông nội. Ngày ông về hưu, Bộ Tư lệnh Quân đoàn II đã tặng ông bộ xa-lông này. Ông nội về hưu được 16 năm thì qua đời trong nỗi buồn xót thương của con cháu. Tính đến nay, ông mất đã bốn năm. Bộ xa-lông đã bóng lên màu nâu thẫm, màu thời gian 20 năm có lẻ.
Nhà bố mẹ em ở là ngôi nhà cổ 5 gian lợp ngói do ông bà để lại. Cho đến nay, bộ xa-lông vẫn là thứ có giá trị nhất trong gia đình, ở gian giữa bày bàn thờ ông bà và kê bộ xa-lông. Mặt bàn lại được úp lên một tấm kính màu rất dày để tránh xước và dễ lau chùi. Bốn chiếc ghế đường bệ, kiểu dáng rất đẹp, nặng phải đến hai người mới xê dịch được. Chiếc ghế bên trái ngoài cùng là nơi ông ngồi đọc báo, uống trà và tiếp khách. Ông không biết hút thuốc lào, thuốc lá. Trên bàn chỉ bày biện một bộ ấm trà loại quần ẩm và sáu chiếc chén xếp ngay ngắn trên chiếc đĩa to men xanh.
Em vẫn nhớ như in hình ảnh ông ngồi pha trà, uống trà mỗi sáng khi con cháu đang mơ màng ngủ. Mái tóc bạc phơ, ông tựa lưng vào ghế, trông gương mặt phúc hậu của ông thật đẹp. Nơi ông ngồi ngày xưa thì bây giờ bố em vẫn thường ngồi. Nhiều lúc, bố ngồi lặng lẽ ngắm lên bàn thờ, đăm chiêu nhìn chân dung ông bà và ba tấm Huân chương cao quý của ông để lại lồng trong khung kính. Đến ngày giỗ ông, năm nào bố em cũng pha một ấm trà, loại chè móc câu Thái Nguyên mà ngày xưa ông thích uống, đặt lên xa-lông. Bố trịnh trọng rót trà vào sáu chiếc chén, rồi lầm rầm khấn trong làn khói trầm quyện đưa hương.
Ngày nào bố cũng lau chùi bộ xa-lông một, hai lần. Bố mẹ đã bàn: sang năm anh Ngọc tốt nghiệp Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ lát gạch hoa nền nhà và thuê thợ đánh véc-ni lại bộ xa-lông cho đẹp.
Với ông thì bộ xa-lông là tình đồng đội, tình chiến đấu. Mỗi lần có cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cũ về thăm ông, bộ xa-lông là nơi hội tụ của bao tình đồng chí, tình đồng đội vô cùng thắm thiết. Còn với con cháu hiện nay và sau này, bộ xa-lông là kỉ vật thiêng liêng của người cha, người ông kính yêu để lại. Mỗi lần được bố sai đi rửa ấm chén, lúc đặt lên mặt bàn xa-lông em lại bồi hồi tưởng như thấy ông đang ngồi trầm ngâm uống trà mỗi sáng, mỗi chiều.
Năm tháng đã trôi qua, nhưng mái nhà êm ấm của gia đình em vẫn lưu giữ bao kỉ niệm sâu nặng ân tình của ông bà nội. Mảnh vườn nhỏ xinh xắn trồng rau, mấy chậu hoa, góc sân lát gạch, cái bể đựng nước mưa, ... và bộ xa- lông bằng gỗ lát hoa này như tiếng nói của gia tiên vọng về trong tâm hồn con cháu mỗi sáng, mỗi chiều, nhất là trong những ngày giỗ Tết.
Unit 17: What Would You Like To Eat?
Unit 8: What Are You Reading?
Bài giảng ôn luyện kiến thức giữa học kì 1 môn Tiếng Anh lớp 5
Bài tập phát triển năng lực Tiếng Việt - Tập 1
Unit 18: What Will The Weather Be Like Tomorrow?