Dàn ý
Mở bài: Giới thiệu dòng sông quê em.
Thân bài:
- Dòng sông ở đâu?
- Hình dáng của dòng sông ra sao?
- Màu nước như thế nào?
- Cảnh hai bên bờ sông thế nào?
- Sự thay đổi của dòng sông qua các buổi trong ngày như thế nào?
+ Buổi sáng
+ Buổi trưa
+ Buổi chiều
+ Buổi tối
Kết bài: Cảm nghĩ của em về dòng sông
Bài siêu ngắn
Sông Châu Giang làm cho cảnh sắc quê em thêm hữu tình, thơ mộng. Bốn mùa dòng sông trong xanh, về mùa xuân, nước sông dâng đầy, trong xanh hơn, hiền hòa hơn. Nước xanh trong, xanh biếc lững lờ trôi. Qua các dòng kênh tỏa khắp các cánh đồng, nước sông Châu Giang xanh màu xanh của lúa, cứ êm đềm trôi đi. Cỏ xanh mơn mởn, hương lúa ngạt ngào. Sông cứ chảy cứ trôi, mát mẻ, thanh bình. Ngắm dòng sông trôi mà lòng lâng lâng kì lạ.
Bên tả ngạn là dãy núi Chúa, núi Vàng, núi Yên Ngựa nhấp nhô ẩn hiện trong sương mờ mùa xuân, tím thẫm lúc hoàng hôn mùa hè, huyền ảo trong đêm trăng. Sông Châu Giang uốn mình theo dãy núi, có đoạn thắt lại, nước chảy ào ào. Bóng núi soi xuống dòng sông cùng những dải mây trắng, đi thuyền qua mới thấy vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình của quê hương.
Hữu ngạn sông Châu Giang có chùa Thần Lằn, một cảnh đẹp nổi tiếng. Năm cây muỗm cổ thụ như bọc lấy ngôi chùa cổ kính, như che chở những tượng Phật La Hán sơn son thiếp vàng. Cạnh đấy là bãi pháo với bia đá khắc tên bảy liệt sĩ anh hùng bắn rơi máy bay và bắt sống giặc lái Mĩ như một chiến tích.
Sông Châu Giang là nguồn nước cho cả một vùng quê lúa bao la. Con sông như chở nặng bao ân tình đã bao đời nay. Chúng em đang lớn lên cùng dòng sông. Mỗi sáng mỗi chiều đi học về soi bóng xuống dòng sông xanh mà cảm thấy lòng mình dạt dào yêu thương đối với dòng sông thơ ấu.
Các bài mẫu
Bài tham khảo 1:
Làng tôi có nhiều cảnh đẹp, nhưng với tôi thì con sông Tương là một cánh đẹp mà tôi yêu mến nhất.
Từ núi rừng xa đổ về, dòng sông Tương càng về xuôi càng rộng thêm ra, nước êm đềm xanh biếc. Như một con rồng uốn lượn giữa màu xanh thẫm của đồng lúa, con sông ôm lấy làng Tiên Đô, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Thằng Lý con chú Thông nói với tôi là có lần nó đã trèo lên ngọn đa làng, nó thấy sông Tương như tà áo, dải khăn thiên lí của cô Huệ đóng vai chèo Thị Mầu lên chùa, đẹp lắm.
Đôi bờ sông là những bãi đay, bãi ngô xanh rờn, những ruộng khoai, vạt rau xanh biêng biếc. Sông Tương hào phóng đã dành cho trẻ chăn trâu, cho lũ học trò làng tôi một bãi rộng để vật nhau và đá bóng trong suốt mấy tháng hè.
Chiếc cầu xi măng ba nhịp cho người và xe cộ đi qua. Ngày nào đi học về, tôi và các bạn nhỏ cũng đứng trên cầu, tay vịn vào lan can mà ngó bóng mình in rõ trên dòng nước cuồn cuộn chảy. Nước lao xao như hát.
Mỗi mùa, sông Tương có một vẻ đẹp riêng. Mùa thu nước sông trong veo, tưởng như có thể nhìn tận đáy. Đã có lần tôi thấy con cá chuối to dẫn đàn rồng rồng đi tìm mồi. Mùa đông, nhiều bãi cát trơ ra, sông Tương như hẹp lại, nước xanh đen. Mùa xuân đến, nước sông cứ dâng lên một ngày một đầy thêm, dòng sông cuồn cuộn uốn mình sau những trận mưa đầu nguồn, sau những cơn mưa rào liên tiếp. Cuối tháng ba sang đầu tháng tư, nước sông Tương chứa nhiều phù sa màu đỏ sẫm. Kênh máng tha hồ chở nước ngọt vào đồng, mang thêm phù sa màu mỡ cho những cánh đồng cao sản.
Làng tôi là đất học, là làng nghề. Thời đánh Mĩ, làng tôi có hơn 200 chàng trai, cô gái ra trận. Tôi cứ vẩn vơ nghĩ là nhờ có con sông Tương mà làng tôi mới nổi tiếng khắp vùng. Đã có lần, tôi làm thơ về dòng sông quê mẹ:Khi mặt trời lên, mặt sông lấp lánh như sao sa. Những buổi trưa nắng đẹp, dòng sông như một dải lụa hồng. Buổi chiều êm ả, sông Tương trở nên dịu dàng kì lạ. Một vài con cá quẫy, một chiếc thuyền câu nhẹ trôi, ba bốn con thuyền chở rau, thực phẩm đi về thị xã... gửi lại bờ tre, ruộng lúa, bãi dâu xanh một giọng hò, một câu hát. Con sông quê mẹ cần mẫn chở tình thương trang trải đêm ngày đi về mọi chốn gần xa. Mẹ tôi bảo: "Con gái làng Tiên Đô nhờ nước sông Tương mà cô nào cũng có nước da trắng, mái tóc dài đen mượt. Con trai hàng xứ say như điếu đổ... "
"Sông Tương! Sông Tương! Sông của tình thương dào dạt...".
Bài tham khảo 2:
“Quê hương" - hai tiếng nghe sao thân thương chi lạ! Quê hương là nơi đã có nhiều kỉ niệm đẹp với chúng ta. Với mỗi người quê hương có thể là cánh đồng lúa trĩu bông, là con diều no gió bay cao trên bầu trời xanh thẳm... Còn quê hương của em là ngôi làng nhỏ với dòng sông hiền hoà uốn khúc quanh làng, đã gắn bó với em nhiều kỉ niệm đẹp thời thơ ấu.
Từ lúc còn bé, em đã thích sông (nhà em ở cạnh dòng sông). Em thường ngồi ở bờ sông ôn bài, vẽ, có khi còn làm thơ nữa hoặc là ngắm sông. Quả thật dòng sông quê em đẹp lắm. Sáng sớm, em đi học ngang qua chiếc cầu bắc trên sông. Lúc ấy, dòng sông vẫn còn phủ một màn sương mỏng, im lìm trong giấc ngủ say. Khi em đi học về, sóng gờn gợn, lăn tăn như chào em. Em mỉm cười: “ừ, chào sông nhé!” vào lúc trưa hè nắng gắt, cả xóm im lặng, chìm vào giấc ngủ trưa, để xua đi cái nóng oi ả của mùa hè, em nhảy ùm xuống sông, lặn ngụp trong làn nước mát, trong veo. Dòng sông nhấp nhô, vuốt ve, chơi đùa cùng em. Bây giờ, em đã biết bơi giỏi thế mà nhớ lại lúc trước, buồn cười quá. Lần ấy, em chưa biết bơi, muốn tắm mà chẳng dám xuống nước, chỉ quanh quẩn trên bờ. Nào ngờ trượt chân, té nhào xuống nước. Thế là uống một bụng nước no nê. Còn giờ đây, đã có lúc bạn bè ví em như con rái cá. Mà có bơi giỏi thế mới có thể chơi đùa cùng sông chứ, phải không sông? Em chơi đùa thỏa thích, vớt lục bình cài lên mái tóc sũng nước. Bóng hoa tim tím còn vương những giọt nước long lanh thật đẹp. Quà của sông dành cho em đấy!
Lúc hoàng hôn, khi vầng thái dương sắp khuất sau ngọn núi, dòng sông của em mang một màu đỏ sẫm, rất đẹp. Những đàn cá cũng vội vã trở về “nhà” bơi thật nhanh làm xao động cả mặt nước. Còn buổi tối cũng thật là đẹp. nhất là vào các đêm trăng sáng. Trăng sáng ngời, tròn vành vạnh như một chiếc đĩa vàng, soi bóng xuống dòng sông. Dòng sông nhận được ánh sáng dìu dịu của trăng trở nên bàng bạc, lấp lánh. Gió thổi lồng lộng, mát mẻ vô cùng. Em ngồi đó, say mê nhìn sông, nhìn dòng sông yêu dấu của em.
Thế đấy! Dòng sông quê em đẹp như thế đấy. Các bạn có thích không? Riêng em, tuy giờ đây đã xa dòng sông thân yêu, sống ở chốn thị thành xa hoa nhưng không bao giờ em quên được dòng sông. Đối với em, sông là một người bạn dễ thương, dịu dàng chứ không lộng lẫy kiêu sa. Sông luôn đem đến sự vui thích cho em. Tối đến, hình ảnh ‘‘dòng sông bạc” lấp lánh dưới ánh trăng vỗ về, đưa em vào giấc ngủ êm đềm.
Bài tham khảo 3:
Hình như những người làng tôi, khi xa làng nghĩ về quê mình, đầu tiên đều nghĩ đến con sông và tự hào về nó.
Con sông không biết bắt nguồn từ những ngọn suối sôi sục nào trên dãy Trường Sơn trùng điệp có những ngọn núi xanh biếc xa xôi kia. Khi đi qua làng tôi, nó chảy êm ả dịu dàng, như cho mọi người có đù thời gian để ngắm nghía làn nước trong xanh của nó. Chỗ rộng nhất của nó khi qua làng cũng chỉ khoảng ba trăm mét. Dòng sông như lặng đi trước cảnh đẹp của làng. Nó trầm ngâm phản chiếu những hàng tre đổ bóng mát rượi xuống hai bờ. Đôi lúc, từ trên ngọn tre cao vút, một chú cò trắng như vôi, mắt lim dim, kinh ngạc nhìn thấy bóng mình soi trong làn nước.
Ngay giữa làng tôi, con đường chạy thẳng xuống bờ sông, gặp bến đò, rồi nói với con đường ở bờ sông bên kia. Người làng, đi lên huyện, lên tỉnh, qua làng khác, đều theo con đường ấy mà đi, khiến cho bến đò lúc nào cũng đông người qua lại. Chúng tôi cũng ngày ngày qua bến đò ấy mà đến trường ở xóm bên kia sông. Sáng nào, dòng sông cũng xao động vì những chuyến đò qua lại. Mặt nước sông phẳng lặng cuộn lên những lớp sóng nhỏ dưới lưng đò, xô nhau lăn tăn chạy mãi vào bờ, khiến cho buổi ban mai tĩnh lặng lao xao những âm thanh nho nhỏ. Trên màu xanh biếc của nước sông và lá tre. nổi lên màu trắng của áo học trò, màu vàng của đám cây ô rô, cóc kèn lá úa và màu đỏ rực rỡ của khăn quàng thiếu niên. Tiếng chuyện trò nghe râm ran, vang vọng mãi đến hai đầu sông. Đó là những ngày rất đẹp của con sông.
Gặp những ngày mưa lũ, con sông không êm ả đi qua làng. Nó mang dòng nước đỏ màu phù sa và ngầu bọt, réo sôi, vội vã chạy đi như muốn đưa nhanh sức mạnh thừa thãi đổ ra biển để tránh ngập lụt cho đồng ruộng xóm làng. Trên bờ, những ngọn tre oằn oại cả thân mình như tuyệt vọng giục dòng nước chảy nhanh hơn. Những ngày ấy, qua đò để đến lớp, thật là một công việc vất vả. Mưa và gió vi vút trên sông làm chúng tôi ướt lạnh. Con đò khó nhọc nhích từng quãng ngắn và thường không đến bờ đúng nơi quy định.
Bài tham khảo 4:
Con sông Hồng chảy qua quê hương em. Sông chảy giữa những bãi mía, bờ dâu xanh ngắt. Mặt sông thường đỏ như màu gạch non nên mới mang tên là sông Hồng. Dòng sông đẹp như một dải lụa đào vắt ngang lên tấm áo màu xanh của đồng bằng Bắc Bộ. Con sông này đã gắn liền với thời thơ ấu của chúng em. Em và con sông đã trở nên thân thiết.
Những buổi sáng đẹp trời, con sông Hồng mới nhộn nhịp làm sao! Từng đoàn thuyền đánh cá giong buồm thả lưới trắng xoá cả mặt sông. Những tiếng hò, tiếng hát vang lên. Sông tấp nập những tàu thuyền đi lại như mắc cửi. Hai bên bờ đọng lại những hạt sương trên lá cỏ non như những hạt ngọc bé xíu long lanh… Cỏ còn ướt đẫm sương đêm mà các bà, các chị xã viên đã ra tỉa bắp, hái dâu. Bình minh chan hòa trên mặt sông.
Buổi trưa, trẻ em rủ nhau ra vùng vẫy, tắm rửa. Chúng lặn ngụp, bơi lội khéo léo như những con cá heo. Sông ôm chúng vào lòng, ôm lấy những đứa trẻ hồn nhiên, vui tươi và nghịch ngợm. Sông dịu dàng, dễ dãi như một người mẹ đối với đàn con. Sông vui cười đùa nghịch với chúng em. Những cụ già râu tóc bạc phơ dắt đàn cháu ra sông tắm rửa. Những người mẹ tất bật mang quần áo, chiếu màn ra giặt giũ. Những chiều hè hoặc những buổi tối sáng trăng, em và các bạn em thả thuyền lênh đênh trên mặt sông cất vó, câu cá hoặc nằm trên sạp thuyền hát, ngâm thơ cho bạn nghe. Buổi tối dưới trăng, em và các bạn bơi thuyền ra giữa sông buông chèo mặc cho nó trôi lơ lửng rồi nằm dài ra sạp thuyền ngắm trăng, hóng gió. Sóng vỗ ì oạp vào mạn thuyền như hát cho chúng em nghe, ru cho chúng em ngủ. Gió nồm, trăng sáng, trời nước lênh đênh, sóng nước vỗ vào mạn thuyền oàm oạp. chúng em ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Thuyền lênh đênh trên sông nước, trôi dạt vào bờ dâu, bãi cỏ. Sáng dậy mọi người đều ngơ ngác không hiểu mình lạc vào đâu và bắt đầu chèo thuyền ngược lại về nhà. Dòng sông Hồng êm đềm chảy xuôi. Mọi người đều say sưa ngắm nhìn sông Hồng một cách thích thú. Hai bên sông là những thảm cỏ xanh rờn. Chỗ kia là một chiếc tàu địch bị bắn cháy hồi Pháp thuộc, di tích còn đến ngày nay. Chỗ này là bác Ba xóm ngoài đã cầm mã tấu chém đứt đầu xẻ mặt thằng quan ba của Pháp. Mọi người vừa đi, vừa ngắm chẳng mấy chốc đã về bến.
Dòng sông này đã kể lại cho em những kỉ niệm êm đềm nhất. Nhớ ngày nào em mới lên ba. Mẹ dắt ra bờ sông tắm, em sợ và hét ầm lên mếu máo khóc. Hồi em học lớp một, em đã để lại cho con sông này một kỉ niệm khó quên. Hồi đó em chưa biết bơi. Các bạn em rủ ra sông tắm. Chúng em đùa nghịch ở ngay cạnh bờ chứ không dám ra giữa sông. Chiếc nón “tốt đỏ” mà mẹ em mua cho sáng nay chưa có quai, em đội lung liêng trên đầu bị gió thổi trôi ra giữa sông. Em hốt hoảng vội nhào ra nắm lấy. Nhưng không kịp nữa rồi. Nón trôi ra xa lắm không thể nào lấy được nữa. Em không biết bơi nên suýt chìm nghỉm xuống lòng sông. Lũ bạn em đều không biết bơi cả, rối rít định nắm tay nhau dàn thành hàng dài để em nắm vào mà ngoi lên. Vừa lúc ấy thầy giáo em đi qua thấy chỏm tóc em bập bềnh trên mặt sông bèn để cả quần áo nhảy xuống vớt em lên. Thầy nắm lấy chỏm tóc em kéo lên và ôm em bằng tay trái rẽ nước bơi vào bờ. Lên bờ, mặt em nhợt nhạt trắng bệch, bụng no nước. Thấy dốc ngược người em lên rồi làm hô hấp nhân tạo. Một lúc sau em tỉnh dậy, thầy bế em về nhà. Các bạn ai cũng vui mừng cho em và thương em, về đến nhà, bố mẹ em cho em đến trạm xá. Hai ngày sau về và lại ra sông tắm. Dòng sông mát lạnh vỗ về em như là xin lỗi em thì phải. Sông ơi sông! Sông không có lỗi gì đâu. Chính ta mới là người có lỗi đấy sông ạ! Quên làm sao được những buổi đi cào hến, giậm trai ở bờ ven sông. Những ngày ấy còn ghi đậm trong trí nhớ của em.
Ôi! Dòng sông! Dòng sông của quê hương, đất nước. Dòng sông đẹp dịu dàng khi những ngày nắng đẹp; dòng sông trắng xóa trong những đợt mưa rào mùa hạ; sông thường hay đỏ ngầu, ầm ầm chảy xiết khi nước lũ tràn về; sông còn đắm mình trong ánh bình minh.
Em yêu con sông quê hương như yêu người mẹ dịu hiền của em. Ôi! Con sông Hồng. Sông đã bao phen giận dữ nổi sóng nhấn chìm tàu giặc xuống lòng sông. Sông đã ôm những kỉ niệm, ước mơ của những tâm hồn bé nhỏ.
Bài tham khảo 5:
Huế đẹp và thơ. Sông Hương là bài thơ trữ tình của Huế. Một nhạc sĩ đã hát lên lời ca:
"Nếu như chẳng có dòng Hương,
Câu thơ xứ Huế giữa đường đánh rơi...
Điệu ca Nam Ai làm cho sông Hương thêm phần thơ mộng:
"Nếu không có điệu Nam Ai,
Sông Hương thức suốt đêm dài làm chi"
Bắt nguồn từ những khe suối Đông Trường Sơn mang theo chất ngọt và hương thơm của bạt ngàn rừng già, sông Hương mang màu xanh trong như ngọc đổ về xuôi. Lượn qua chân núi Kim Phụng đổ về ngã ba Tuần, sông Hương hiền hòa dang rộng cánh tay ôm lấy Kinh thành Huế và những xóm làng trù mật đáng yêu.
Rời Cồn Hến, một hòn đảo xanh mơ màng, sông Hương nhẹ trôi về xuôi giữa đôi bờ biếc xanh của vùng Vĩ Dạ qua ngã ba Sình,... nhập vào phá Tam Giang. Chị và anh còn nhớ câu hò xứ Huế man mác nhớ thương ? Xin khẽ đọc, khẽ ngân thôi nhé! Kia là núi Ngọc Trản - điện Hòn Chén thờ Mẫu thần Thiên Y A Na linh thiêng. Đây là bãi Nguyệt Biều, Lương Quán xanh rờn ngô, đậu; đồi Thiên Mụ với tiếng chuông chùa diệu huyền hòa cùng tiếng sóng Hương Giang lao xao. Những đêm trăng, tháp Phước Duyên ngẩn ngơ soi bóng xuống dòng sông xanh. Vượt qua Cồn Dã Viên, du khách xuôi đò đến Cồn Hến.
"Đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá
Đỏ rời Vĩ Dạ xuôi ngã ba Sình
Lờ đờ bóng ngả trăng chênh
Nhớ câu Mái Đẩy nặng tình nước non...".
Những sớm mùa xuân, những chiều mùa hè, những đêm trăng mùa thu, hỡi ai xa gần có đến thăm Huế nhớ dừng bước trên cầu Tràng Tiền nhìn về núi Bạch Mã, núi Ngự Bình, ngó sang Gia Hội, Bao Vinh... mới cảm thấy vẻ dịu dàng của "tấm lụa mềm" cố đô.
Màu sắc trong xanh như ngọc bích long lanh, những con đò xuôi ngược, dọc ngang với điệu hò Mái Nhì, Mái Đẩy thiết tha, trầm lắng giữa đêm thanh, anh và chị sẽ thấy hồn mình chơi vơi với sông nước Hương Giang. Tà áo trắng của cô thiếu nữ Huế làm cho bài thơ sông Hương thêm man mác.
Bài giảng ôn luyện kiến thức cuối học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5
Review 3
Bài 8: Hợp tác với những người xung quanh
Unit 9: What Did You See At The Zoo?
Bài tập cuối tuần 19