PHẦN HAI. LỊCH SỬ VIỆT NAM TỪ NĂM 1919 ĐẾN NĂM 2000
PHẦN HAI. LỊCH SỬ VIỆT NAM TỪ NĂM 1919 ĐẾN NĂM 2000

Đề thi học kì 1 môn sử lớp 12 năm 2019 - 2020 sở GD&ĐT Bắc Giang

MÃ ĐỀ 502

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM (7,0 điểm)

Câu 1. (NB) Nội dung nào dưới đây không phải mục đích của ta khi mở chiến dịch Biên giới thu - đông năm 1950?

A. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. 

B. Tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch.

C. Khai thông biên giới Việt - Trung.

D. Củng cố, mở rộng căn cứ địa Việt Bắc.

Câu 2. (VD) Một trong những nguyên nhân chung dẫn tới sự phát triển kinh tế của Mĩ, Tây Âu và Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai là

A. do tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhân công dồi dào.

B. nhờ quân sự hóa cao độ nền kinh tế để buôn bán vũ khí thu lợi nhuận.

C. do trình độ tập trung tư bản cao và chi phí cho quốc phòng thấp.

D. nhờ áp dụng các thành tựu của cách mạng khoa học - kĩ thuật vào sản xuất.

Câu 3. (NB) Chiến thắng nào dưới đây của quân và dân ta đã mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp?

A. Cuộc chiến đấu tại các đô thị 1946.

B. Chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947.

C. Chiến dịch Biên giới thu - đông 1950.

D. Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954.

Câu 4. (NB) Nước nào sau đây không tham dự Hội nghị cấp cao ở Ianta (2-1945)?

A. Mĩ.                    B. Anh.

C. Pháp.                D. Liên Xô.

Câu 5. (TH) Lí do nào dưới đây đúng nhất để khẳng định sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước ta đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”?

A. Chính quyền cách mạng mới thành lập, lực lượng vũ trang còn suy yếu.

B. Cùng lúc phải đương đầu với giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt.

C. Thiên tai hạn hán kéo dài, nạn đói đang đe dọa trầm trọng.

D. Lực lượng ngoại xâm đông và mạnh, ngân sách trống rỗng.

Câu 6. (VD) So với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp ở Đông Dương có điểm khác là

A. chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp.

B. hạn chế phát triển công nghiệp nặng.

C. đầu tư vốn với tốc độ nhanh và quy mô lớn.

D. đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải.

Câu 7. (NB) Ở Việt Nam, giai cấp nào có tinh thần cách mạng triệt để, có ý thức kỷ luật cao, gắn với nền sản xuất hiện đại, có quan hệ gắn bó với nông dân?

A. Tư sản.

B. Công nhân.

C. Tiểu tư sản.

D. Địa chủ.

Câu 8. (NB) Cơ quan ngôn luận của Đông Dương Cộng sản đảng là báo

A. Nhân dân.

B. Búa liềm.

C. Thanh niên.

D. Người nhà quê.

Câu 9. (NB) Tổ chức ASEAN thành lập ngày 8 - 8 - 1967 tại

A. Thái Lan.

B. Xin-ga-po.

C. Ma-lai-xi-a. 

D. In-đô-nê-xi-a.

Câu 10. (NB) Kế hoạch 5 năm khôi phục kinh tế (1946 - 1950) ở Liên Xô đã

A. có sự giúp đỡ của nhiều nước.

B. hoàn thành trước thời hạn.   

C. hoàn thành đúng thời hạn.

D. không hoàn thành đúng tiến độ.

Câu 11. (NB) Tư tưởng cốt lõi trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam là

A. tự do và dân chủ.

B. đoàn kết với cách mạng thế giới.

C. độc lập và tự do.

D. ruộng đất cho dân cày.

Câu 12. (NB) Thành viên thứ 7 của tổ chức ASEAN là

A. Lào.

B. Campuchia.

C. Bru-nây.

D. Việt Nam.

Câu 13. (NB) Ở khu vực Đông Nam Á, quốc gia nào được coi là một trong bốn con rồng kinh tế châu Á?

A. Thái Lan. 

B. Malaixia. 

C. Xingapo.

D. Inđônêxia.

Câu 14. (TH) Những giai cấp mới ra đời ở Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất là

A. tư sản và tiểu tư sản.

B. địa chủ và tiểu tư sản.

C. công nhân và tư sản. 

D. công nhân và tiểu tư sản.

Câu 15. (NB) Ý nào sau đây phản ánh đúng nội dung của Hiệp định Sơ bộ (6 - 3 - 1946)?

A. Chính phủ Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do.

B. Chính phủ Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia dân chủ.

C. Chính phủ Pháp công nhận Việt Nam là một xứ tự trị.

D. Chính phủ Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập.

Câu 16. (VD) So với phong trào cách mạng 1930 - 1931, điểm khác biệt về phương pháp đấu tranh của phong trào dân chủ 1936 - 1939 ở Việt Nam là kết hợp các hình thức

A. đấu tranh vũ trang với đấu tranh ngoại giao.

B. đấu tranh nghị trường và đấu tranh ngoại giao.

C. đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang.

D. công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp.

Câu 17. (NB) Đến đầu những năm 70 của thế kỉ XX, nước nào có nền công nghiệp đứng thứ hai trong thế giới tư bản?

A. Đức.               B. Anh.

C. Nhật Bản.       D. Pháp.

Câu 18. (NB) Các quốc gia tham gia sáng lập tổ chức ASEAN ngày 8 - 8 - 1967 là

A. Inđônêxia, Malaixia, Xingapo, Thái Lan, Brunây.

B. Inđônêxia, Malaixia, Xingapo, Thái Lan, Campuchia.

C. Inđônêxia, Malaixia, Xingapo, Thái Lan, Mianma.                      

D. Inđônêxia, Malaixia, Xingapo, Thái Lan, Philíppin.

Câu 19. (TH) Sự kiện nào dưới đây đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam?

A. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

B. Chính quyền Xô viết Nghệ - Tĩnh được thành lập.

C. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc.

D. Cách mạng tháng Tám thành công.

Câu 20. (NB) Những quốc gia nào ở khu vực Đông Nam Á tuyên bố độc lập vào năm 1945?

A. Inđônêxia, Philíppin, Lào.

B. Inđônêxia, Mianma, Việt Nam.

C. Malaixia, Việt Nam, Lào.

D. Inđônêxia, Việt Nam, Lào.

Câu 21. (TH) Thực dân Pháp mở cuộc tấn công Việt Bắc vào thu - đông năm 1947 nhằm

A. kết thúc chiến tranh trong danh dự.

B. giải quyết mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng.

C. tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta.

D. ngăn chặn con đường liên lạc của ta với quốc tế.

Câu 22. (VD) Điểm giống nhau về chính sách đối ngoại của Nga và Mĩ sau Chiến tranh lạnh là

A. người bạn lớn của EU, Trung Quốc và ASEAN.

B. trở thành trụ cột trong “Trật tự thế giới hai cực”.

C. ra sức điều chỉnh chính sách đối ngoại để mở rộng ảnh hưởng.

D. trở thành đồng minh trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Câu 23. (NB) Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam (10 - 1930) quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành

A. Đảng Cộng sản Đông Dương.

B. Đảng Lao động Việt Nam.

C. Đông Dương Cộng sản đảng. 

D. Đảng Dân chủ Việt Nam.

Câu 24. (NB) Chiến thắng nào dưới đây của quân và dân ta đã làm phá sản hoàn toàn âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp?

A. Cuộc chiến đấu tại các đô thị 1946. 

B. Chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947.

C. Chiến dịch Biên giới thu - đông 1950. 

D. Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.

Câu 25. (NB) Việc giải giáp vũ khí của phát xít Nhật ở Đông Dương sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc được giao cho quân đội

A. Anh và Pháp. 

B. Anh và Trung Hoa Dân quốc.

C. Mĩ và Pháp. 

D. Pháp và Trung Hoa Dân quốc.

II. PHẦN TỰ LUẬN (3,0 điểm)

Câu 1. (1,0 điểm)

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ, Tây Âu và Nhật Bản trở thành ba trung tâm kinh tế - tài chính của thế giới. Từ sự phát triển kinh tế của Mĩ, Tây Âu, Nhật Bản, Việt Nam có thể rút ra được những bài học gì cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay?

Câu 2. (2,0 điểm)

Nêu nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở nước ta. Điều kiện khách quan thuận lợi có phải là nguyên nhân quyết định dẫn đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 không? Vì sao?

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Thực hiện bởi Ban chuyên môn  

1. A

2. D

3. C

4. C

5. B

6. C

7. B

8. B

9. A

10. B

11. C

12. D

13. C

14. A

15. A

16. D

17. C

18. D

19. A

20. D

21. C

22. C

23. A

24. B

25. B

Câu 1.

Phương pháp: Xem lại chiến dịch Biên giới thu - đông năm 1950, sgk lịch sử 12, trang 136, loại trừ

Cách giải:

Tháng 6 - 1950, Đảng và Chính phủ quyết định mở chiến dịch Biên giới nhằm: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; khai thông đường sang Trung Quốc và thế giới; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, tạo đà thúc đẩy cuộc kháng chiến tiến lên.

Chọn: A

Câu 2.

Phương pháp: So sánh nguyên nhân phát triển của Mĩ, Tây Âu, Nhật Bản

Cách giải:

Việc áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật hiện đại vào sản xuất đã giúp các nước tư bản Mĩ, Tây Âu, Nhật Bản khắc phục những vấn đề về nguồn tài nguyên, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, điều chỉnh cơ cấu hợp lý. Đây là nguyên nhân chung dẫn đến sự phát triển của các nước Mĩ, Tây Âu, Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Chọn: D

Câu 3.

Phương pháp: Xem lại ý nghĩa chiến dịch Biên giới thu - đông năm 1950, sgk lịch sử 12, trang 138

Cách giải:

Với chiến thắng Biên giới thu - đông 1950, con đường liên lạc của ta với các nước xã hội chủ nghĩa đã được khai thông; quân đội ta đã giành được thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ, mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến.

Chọn: C

Câu 4.

Phương pháp: Xem lại nội dung Hội nghị Ianta, sgk lịch sử 12, trang 4

Cách giải:

Hội nghị Ianta (2 - 1945) với sự tham dự của nguyên thủ ba cường quốc I. Xtalin (Liên Xô), Ph. Rudơven (Mĩ) và U. Sớc sin (Anh).

Chọn: C

Câu 5. Lí do nào dưới đây đúng nhất để khẳng định sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước ta đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”?

A. Chính quyền cách mạng mới thành lập, lực lượng vũ trang còn suy yếu.

B. Cùng lúc phải đương đầu với giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt.

C. Thiên tai hạn hán kéo dài, nạn đói đang đe dọa trầm trọng.

D. Lực lượng ngoại xâm đông và mạnh, ngân sách trống rỗng.

Câu 5.

Phương pháp: Xem lại tình hình nước ta sau Cách mạng tháng Tám 1945, sgk lịch sử 12, trang 121

Cách giải:

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước ta đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi cùng lúc phải đương đầu với giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt.

- Giặc ngoại xâm: từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, có 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc, theo sau là các tổ chức phản động Việt Quốc, Việc Cách. Từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, quân Anh tạo điều kiện cho Pháp quay trở lại xâm lược. Trên cả nước còn 6 vạn quân Nhật chờ giải giáp,…

- Giặc đói: Nạn đói cuối 1944 đầu 1945 chưa khắc phục được; nạn lụt lớn làm vỡ đê 9 tỉnh Bắc Bộ; hạn hán kéo dài. Cơ sở công nghiệp chưa phục hồi, hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng vọt, đời sống nhân dân nhiều khó khăn.

- Giặc dốt: Tàn dư văn hóa lạc hậu của chế độ thực dân, phong kiến để lại hết sức nặng nề, hơn 90% dân số không biết chữ,…

Chọn: B

Câu 6.

Phương pháp: Xem lại chính sách khai thác thuộc địa lần thứ hai, sgk lịch sử 12, trang 76, so sánh với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất

Cách giải:

Trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, thực dân Pháp tăng cường đầu tư với tốc độ nhanh, quy mô lớn vào các ngành kinh tế ở Việt Nam. Chỉ trong vòng 6 năm (1924 - 1929), số vốn đầu tư vào Đông Dương, chủ yếu là vào Việt Nam lên khoảng 4 tỉ phrăng.

Chọn: C

Câu 7.

Phương pháp: Xem lại những chuyển biến xã hội, sgk lịch sử 12, trang 78

Cách giải:

Ở Việt Nam, giai cấp công nhân có tinh thần cách mạng triệt để, có ý thức kỷ luật cao, gắn với nền sản xuất hiện đại, có quan hệ gắn bó với nông dân. Giai cấp công nhân bị giới tư sản, đế quốc thực dân áp bức, bóc lột nặng nề, được thừa hưởng truyền thống yêu nước của dân tộc, sớm chịu ảnh hưởng của trào lưu cách mạng vô sản, nên nhanh chóng trở thành một động lực của phong trào dân tộc dân chủ.

Chọn: B

Câu 8.

Phương pháp: Xem lại sự xuất hiện các tổ chức cộng sản năm 1929, sgk lịch sử 12, trang 87

Cách giải:

Đông Dương Cộng sản đảng thành lập vào tháng 6 - 1929, thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ, ra báo Búa liềm làm cơ quan ngôn luận.

Chọn: B

Câu 9.

Phương pháp: Xem lại sự ra đời của ASEAN, sgk lịch sử 12, trang 31

Cách giải:

Ngày 8 - 8 - 1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc (Thái Lan).

Chọn: A

Câu 10.

Phương pháp: Xem lại công cuộc khôi phục kinh tế (1946 - 1950), sgk lịch sử 12, trang 10

Cách giải:

Kế hoạch 5 năm khôi phục kinh tế (1946 - 1950) ở Liên Xô đã hoàn thành thắng lợi trong vòng 4 năm 3 tháng (hoàn thành trước thời hạn 9 tháng).

Chọn: B

Câu 11.

Phương pháp: Xem lại Hội nghị thành lập Đảng, sgk lịch sử 12, trang 88

Cách giải:

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo là một cương lĩnh cách mạng giải phóng dân tộc sáng tạo, kết hợp đúng đắn vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Độc lập tự do là tư tưởng cốt lõi của cương lĩnh này.

Chọn: C

Câu 12.

Phương pháp: Xem lại sự ra đời và phát triển của ASEAN, sgk lịch sử 12, trang 31

Cách giải:

Ngày 28 - 7 - 1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN.

Chọn: D

Câu 13.

Phương pháp: Xem lại nhóm 5 nước sáng lập ASEAN, sgk lịch sử 12, trang 29

Cách giải:

Trong những năm 70 của thế kỉ XX, Xingapo chuyển mình mạnh với tốc độ tăng trưởng 12% (1966 – 1973) và trở thành “con rồng” nổi trội nhất trong bốn “con rồng” kinh tế của châu Á là Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Xingapo.

Chọn: C

Câu 14.

Phương pháp: Xem lại những chuyển biến xã hội, sgk lịch sử 12, trang 78, suy luận

Cách giải:

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp, xã hội Việt Nam có nhiều biến chuyển. Bên cạnh những giai cấp cũ bị phân hóa là sự lớn mạnh và ra đời của những giai cấp mới.

- Giai cấp tư sản: ra đời sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, phân hóa thành hai bộ phận: tư sản mại bản và tư sản dân tộc.

- Giai cấp tiểu tư sản: trước chiến tranh mới chỉ là một tầng lớp. Sau chiến tranh có phát triển nhanh về số lượng, trở thành một giai cấp riêng biệt.

Chọn: A

Câu 15.

Phương pháp: Xem lại nội dung Hiệp định Sơ bộ, sgk lịch sử 12, trang 128

Cách giải:

Hiệp định Sơ bộ (6 - 3 - 1946) có nội dung: Chính phủ Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ riêng, nghị viện riêng, quân đội riêng, tài chính riêng và là thành viên của Liên bang Đông Dương, nằm trong khối Liên hiệp Pháp.

Chọn: A

Câu 16.

Phương pháp: So sánh phương pháp đấu tranh giữa phong trào dân chủ 1936 - 1939 và phong trào cách mạng 1930 - 1931

Cách giải:

Về phương pháp đấu tranh:

- Phong trào cách mạng 1930 - 1931: đấu tranh bí mật.

- Phong trào dân chủ 1936 - 1939: kết hợp đấu tranh công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp.

Chọn: D

Câu 17.

Phương pháp: Xem lại Nhật Bản từ năm 1952 đến năm 1973, sgk lịch sử 12, trang 54

Cách giải:

Từ năm 1960 đến năm 1973, kinh tế Nhật Bản có sự phát triển “thần kì”. Năm 1968, kinh tế Nhật Bản đã vượt Anh, Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Italia,… vươn lên đứng thứ hai trong thế giới tư bản (sau Mĩ). Từ đầu những năm 70 trở đi, Nhật Bản trở thành một trong ba trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất thế giới (cùng Mĩ, Tây Âu).

Chọn: C

Câu 18.

Phương pháp: Xem lại sự ra đời của ASEAN, sgk lịch sử 12, trang 31

Cách giải:

Ngày 8 - 8 - 1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc (Thái Lan) với sự tham gia của 5 nước: Inđônêxia, Malaixia, Xingapo, Thái Lan, Philíppin.

Chọn: D

Câu 19.

Phương pháp: Xem lại ý nghĩa thành lập Đảng, sgk lịch sử 12, trang 89, suy luận

Cách giải:

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ đây, cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta được đặt dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng có đường lối cách mạng khoa học và sáng tạo, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ đảng viên kiên trung, nguyện suốt đời hy sinh cho lý tưởng của Đảng, cho độc lập dân tộc, cho tự do của nhân dân.

Chọn: A

Lưu ý:

- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

- Cách mạng tháng Tám (1945) thành công mở ra bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, mở đầu kỉ nguyên mới của dân tộc: kỉ nguyên độc lập, tự do;…

Câu 20.

Phương pháp: Xem lại nét chung về quá trình đấu tranh giành độc lập, sgk lịch sử 12, trang 25

Cách giải:

Tháng 8 - 1945, tận dụng thời cơ Nhật đầu hàng Đồng minh, nhân dân Đông Nam Á đứng lên đấu tranh, nhiều nước đã giành được độc lập. Đó là: Inđônêxia (17 - 8), Việt Nam (2 - 9), Lào (12 - 10).

Chọn: D

Câu 21.

Phương pháp: Xem lại chiến dịch Việt Bắc vào thu - đông năm 1947, sgk lịch sử 12, trang 133, suy luận

Cách giải:

Thực hiện kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh”, thực dân Pháp mở cuộc tấn công Việt Bắc vào thu - đông năm 1947 nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta, nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

Chọn: C

Câu 22.

Phương pháp: So sánh chính sách đối ngoại của Nga và Mĩ sau Chiến tranh lạnh.

Cách giải:

- Nga: từ sau năm 1991, Nga thực hiện chính sách đối ngoại ngả về phương Tây. Mặt khác, khôi phục và phát triển mối quan hệ với các nước châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, các nước ASEAN,…).

- Mĩ: trong thập niên 90, chính quyền B. Clinton thực hiện chiến lược “Cam kết và mở rộng”. Sau khi trật tự hai cực Ianta tan rã, Mĩ càng tìm cách vươn lên chi phối, lãnh đạo thế giới.

=> Điểm chung: cả Nga và Mĩ đều ra sức điều chỉnh chính sách đối ngoại để mở rộng ảnh hưởng.

Chọn: C

Câu 23.

Phương pháp: Xem lại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam (10 - 1930), sgk lịch sử 12, trang 94

Cách giải:

Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam (10 - 1930) tại Hương Cảng (Trung Quốc). Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

Chọn: A

Câu 24.

Phương pháp: Xem lại ý nghĩa chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947, sgk lịch sử 12, trang 134

Cách giải:

Chiến thắng Việt Bắc thu - đông năm 1947 đã làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp, buộc Pháp phải chuyển sang “đánh lâu dài” với ta.

Chọn: B

Câu 25.

Phương pháp: Xem lại nội dung Hội nghị Ianta, sgk lịch sử 12, trang 6

Cách giải:

Theo thỏa thuận của Hội nghị Pốt x đam, việc giải giáp quân Nhật ở Đông Dương được giao cho quân đội Anh vào phía Nam vĩ tuyến 16 và quân đội Trung Hoa Dân quốc vào phía Bắc.

Chọn: B

II. PHẦN TỰ LUẬN (3,0 điểm)

Câu 1.

Phương pháp: Phân tích nguyên nhân phát triển của Mĩ, Tây Âu và Nhật Bản, liên hệ Việt Nam hiện nay

Cách giải:

* Những bài học cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay:

- Chú trọng tiếp thu, áp dụng những thành tựu khoa học - kĩ thuật hiện đại, áp dụng sáng tạo công nghệ mới để đi tắt đón đầu, rút ngắn thời gian xây dựng và phát triển kinh tế,…

- Tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc quản lý, điều tiết nền kinh tế, tiếp thu kinh nghiệm quản lý của các nước,…

- Phát huy yếu tố nội lực (tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhân công dồi dào,…), tận dụng tốt những yếu tố bên ngoài để phát triển kinh tế (tranh thủ vốn đầu tư của nước ngoài, thời cơ từ hội nhập quốc tế và khu vực,…).

Câu 2.

Phương pháp: Xem lại nguyên nhân thắng lợi, sgk lịch sử 12, trang 119. Phân tích vai trò của nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan để rút ra nhận xét

Cách giải:

* Nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở nước ta:

- Nhân dân ta có truyền thống yêu nước nồng nàn,…

- Sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh,…

- Cách mạng tháng Tám nổ ra trong điều kiện khách quan thuận lợi, khi các kẻ thù của cách mạng lần lượt bị tiêu diệt,…

* Điều kiện khách quan thuận lợi không phải là nguyên nhân quyết định dẫn đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Vì:

- Nếu có điều kiện khách quan thuận lợi mà trong nước chưa có sự chuẩn bị đầy đủ thì khởi nghĩa chưa chắc đã thắng.

- Mặt khác, nếu có điều kiện khách quan thuận lợi mà không biết chớp đúng thời cơ thì cơ hội sẽ vụt mất.

- Nguyên nhân quyết định dẫn đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Fqa.vn
Bình chọn:
0/5 (0 đánh giá)
Báo cáo nội dung câu hỏi
Bình luận (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận
Bạn chắc chắn muốn xóa nội dung này ?
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn
Location Địa chỉ: Số 21 Ngõ Giếng, Phố Đông Các, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Tải ứng dụng FQA
Người chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Tuấn Quang Giấy phép thiết lập MXH số 07/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 05/01/2024
Copyright © 2023 fqa.vn All Rights Reserved