Dàn ý
Mở bài: Giới thiệu về cây hoa mà em định tả
- Cây hoa đó được trồng ở đâu?
- Trồng từ bao giờ?
Thân bài:
a. Tả bao quát:
- Cây hoa do ai trồng?
- Hình dáng cây hoa như thế nào?
b. Tả chi tiết:
- Gốc, thân cây có kích thước như thế nào?
- Cây hoa có nhiều cành không? Đặc điểm của cành cây như nào?
- Lá cây hoa màu gì? Hình dáng thế nào?
- Nụ hoa có đặc điểm gì?
- Khi nở, hoa trông như thế nào?
- Mùi hương của hoa như nào?
- Công dụng của loài hoa đó
Kết bài: Tình cảm của em dành cho cây hoa
Bài siêu ngắn
"Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội.
Mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió..."
Hoa sữa có ở rất nhiều nơi trên đất nước ta nhưng dường như đẹp nhất là ở Hà Nội vào những tháng mùa thu...
Mùa thu Hà Nội nổi tiếng với cốm xanh, với mùi hoa sữa nồng nàn, đắm say. Ai đã đến với mảnh đất nghìn năm văn hiến này có lẽ khó mà quên được vẻ đẹp giản dị, thuần khiết của loài cây này. Thân cây cao, khá to, thẳng đứng. Nó khoác bên ngoài chiếc áo màu đen, hơi sần sùi như bị mốc, trên đó còn có những cái mấu nhỏ. Cây hoa sữa tầng tán lá nhìn từ xa như cây dù. Cành lá xum xuê là điểm hẹn của chim chóc đến làm tổ, líu lo thi ca hát và trò chuyện với nhau. Những chiếc lá dày, cứng cáp phát triển từng đốt, mỗi đốt thường xoè ra khoảng sáu bảy lá tròn như cái mâm con. Cây hoa sữa có nhiều nhánh nhỏ, khi bấm vào cành con thấy dòng sữa nhỏ chảy ra, có lẽ vì vậy mà người ta gọi là cây sữa. Khoảnh khắc đẹp nhất chính là khi cây trổ hoa. Những bông hoa sữa thường nở vào cuối thu đầu đông, đây là lúc tiết trời mát mẻ và dễ chịu. Hoa sữa màu trắng pha kem, có nhiều cánh nhỏ mọc cụm lại với nhau trông tựa những quả cầu xinh xắn. Hương hoa sữa thơm nhưng không dìu dịu mà mạnh mẽ và hơi hắc. Mùi thơm quyến rũ, lan toả rộng trong không gian. Nhất là vào buổi đêm, gió nhè nhẹ thổi, hương hoa vừa như mơ như thực thật hấp dẫn.
Người Hà Nội đi xa, luôn nhớ về mùi hương hoa sữa, nhớ về những đêm se se lạnh, dạo bước trên con đường Nguyễn Du thấy thật ấm lòng.
Các bài mẫu
Bài tham khảo 1:
Từ đường cái liên xã có lối rẽ vào trường em dài độ 100 mét. Lối rẽ được lát xi măng phẳng lì rộng khoảng 4 mét. Hai bên lối đi là hai hàng cây bằng lăng khép tán làm cho cảnh quan trường em trở nên xanh, đẹp.
Ngày em vào học lớp Một, Hội Khuyến học đã trồng hai hàng cây bằng lăng này. Thầy Hiệu trưởng đã phân công cho mỗi thầy, cô giáo và lớp mình phụ trách được chăm bón, bảo vệ săn sóc hai cây bằng lăng. Tết trồng cây đối với thầy, trò trường em hầu như diễn ra quanh năm suốt tháng.
Chỉ sau hai mùa xuân, bằng lăng đã cao vọt lên, cành khép tán, lá sum sê. Mùa xuân, bằng lăng ngời lên xanh biếc. Mùa hè, bằng lăng toả bóng mát rượi. Từng đàn chim sâu lích chích, ríu rít kéo đến bắt sâu, tìm mồi làm cho con đường tới trường thêm vui, thêm đẹp.
Bằng lăng là loài cây thân gỗ có nhiều cành ngang. Lá bằng lăng gần giống như lá vối, lá ổi. Có lá to bằng bàn tay người lớn, lá nhỏ bằng bàn tay trẻ em, bầu bĩnh, thon xinh. Mặt trên lá màu xanh thẫm, bóng mượt, xanh biếc; mặt dưới xanh nhạt nổi lên những đường gân như chiếc tăm tre dài.
Năm em lên học lớp Ba thì bằng lăng đã trổ hoa. Trong làn mưa xuân mưa bụi, lá bằng lăng phơi phới vươn lên. Một màu xanh nhạt phơn phớt tím bao trùm hai hàng cây mơn mởn. Hoa bằng lăng màu tím hồng, kết thành chùm. Cây có bao nhiêu cành, bao nhiêu nhánh là có bấy nhiêu chùm hoa. đứng xa nhìn tưởng như mỗi cây bằng lăng được đội bằng một chiếc mũ tím hồng rực rỡ. Hoa bằng lăng có cánh kép, mỏng như lụa; giữa đài hoa có những chiếc nhị vàng như chiếc trâm bé xinh. Những hôm trời nắng cuối xuân đầu hạ, hoa bằng lăng rực lên làm cho con đường dản tới cổng trường như hai dải lụa tím hồng rung động, nhấp nhô khi có làn gió nhẹ thoảng qua.
Sau một đêm mưa, hoa bằng lăng rụng nhuộm tím con đường viền cỏ xanh, Hoa bằng lăng nối tiếp nở thành nhiều đợt. Em ít thấy loại cây nào nơi làng quê cho nhiều hoa và kéo dài mùa hoa như bằng lăng.
Cuối hè, cây bằng lăng tua tủa những quả. Quả bằng lăng nhích hơn trái cà xanh nhạt. Cành bằng lăng trĩu quả tròn xanh đậm. Quả nào cũng có bảy múi. Lúc chín già, các múi bằng lăng tự tách ra; hạt bằng lăng được làn gió mang đi rải khắp mọi nơi, mọi chốn. Nhặt một trái bằng lăng già đặt lên lòng bàn tay ngắm nghía, ta cảm thấy như một trái bần gỗ mĩ nghệ thủ công cực xinh.
Hoa bằng lăng cũng như hoa giấy, không có hương thơm nhưng rực rỡ sắc màu. Mỗi mùa xuân đến, em chờ mong bằng lăng đơm hoa. Đi học ngắm bằng lăng tím hồng; mùa hè được đứng trong bóng bằng lằng tỏa mát, em càng thấy yêu cây bằng lăng khôn xiết kể.
Mùa hè này đến sớm, hoa bằng lăng nở rộ. Em đã bước sang học kì hai lớp Năm. Nhìn hoa bằng lăng tím hồng, em càng thấy con đường tuổi thơ thêm hữu tình, em càng yêu thêm ngôi trường tuổi thơ.
Bài tham khảo 2:
Trên bờ tường cạnh sân và góc vườn, bố em đặt một chậu nhài. Cái chậu men Bát Tràng khá to và đẹp. Cây nhài sống một cách thảnh thơi, yên bình. Nó chẳng hề bị cây cỏ nào chen lấn. Đất bùn ao phơi khô đập tơi, trộn lẫn với cám và phân lân, là nguồn sống phong lưu, no đủ của nó. Nước vo gạo pha loãng, nước luộc ốc, mẹ vẫn đem tưới tắm cho nhài.
Cuối xuân đầu hè, lá nhài xanh biếc, xanh rờn một màu ngọc bích. Cành lá sum sê reo lên cùng gió xuân và nắng xuân. Rồi nhài chúm chím nụ hoa, tròn xinh, phơn phớt trắng như những chiếc cúc bạch ngọc bằng hạt đỗ, hạt ngô nếp non. Hàng trăm nụ hoa như thì thầm trong mưa xuân, mưa bụi. Chỉ ba, bốn ngày sau, hoa nhài hé nở, như mỉm cười làm duyên. Trong nắng xuân chan hoà, hàng trăm bông nhài xoè cánh trắng nõn, phô sắc khoe hương. Một vẻ đẹp trinh trắng tinh khôi toả ra, quyến rũ đàn one bướm mê say từ sáng sớm đến chiều tối. Hương nhài khổng diu dịu như hương hoa ngâu, hoa mộc, không ngan ngát thoang thoảng hoa sen. Hương nhài thơm một cách nồng nàn, quyến rũ. Ai đã từng ngắm hoa nhài trong đêm trăng thu mói thấy hết vẻ đẹp tuyệt vời của nó. Hoa nhài ngậm sương, ánh trăng lay động, tường như đàn bướm trắng đang xoè cánh bay lượn.
Ông nội em vẫn hái hoa nhài ướp chè. Một nhúm chè loại một, hai, ba bông nhài tươi, ông nội đã có một ấm chè ngon và thơm tiếp bạn, đãi khách quý đến chơi.
Trăng tà, trăng lặn, hoa nhài cũng tàn dần. Mùa trăng sau, nhài lại nở hoa và dâng hương. Em vẫn thấp thỏm đợi chờ. Nhài nở hoa giữa mùa trăng cho ngôi nhà thêm đẹp.
Bài tham khảo 3:
Khu vườn nhà em không rộng nhưng ba vẫn dành ra một khoảng đất bé để trồng hoa. Vì mẹ rất thích trồng và chăm sóc hoa. Mặc dù đất ít nhưng vườn hoa nhà em có đầy đủ các loài hoa như hoa hồng, hoa cúc, hoa thược dược, hoa mười giờ…
Vườn hoa nhà em có hình vuông, ba đã cuốc đất thường xuyên để nó được tơi xốp hơn. Như thế trồng hoa mới nhanh phát triển và đơm bông đẹp nhất.
Vườn hoa nhà em có một cái cổng bằng tre đan xinh xắn do tự tay ba đã làm, để ngăn chặn gà vịt vào đó phá loại những cây hoa.
Bước vào vườn hoa, là những bông hoa thược dược màu đỏ, vàng và trắng xen kẽ nhau tạo nên vô vàn màu sắc đẹp. Mỗi khi có ánh nắng mặt trời chiếu xuống, từng bông hoa như đang vươn mình về nơi có nắng để hứng trọn sự tươi mát và rực rỡ nhất.
Khép nép hơn là những khóm hoa mười giờ màu hồng nhàn nhạt chỉ nở vào lúc mười giờ trưa và tàn trong ngày. Đến hôm sau nó lại nở thêm những bông hoa khác rực rỡ hơn. Mười giờ là loài hoa dại, gần gũi, thân thuộc đối với nhiều gia đình.
Hoa nở theo mùa, mỗi mùa dành cho một loài hoa khác nhau. Hoa cúc nở mùa đông, là những ngày tháng 11, giáp Tết nguyên Đán. Nó gắn với điều gì đó buồn mênh mang nhưng cũng gắn với sự đoàn tụ, sum vầy. Hoa hồng nở quanh năm, cứ mỗi lần tươi tốt là nó lại đơm bông và tỏa hương thơm ngát. Hoa hồng có mùi hương hơi nồng, nhưng là loại hoa tượng trưng cho sự kiêu sa.
Mỗi loài hoa đều có màu sắc riêng, tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp cho khu vườn của gia đình em.
Ba chăm sóc rất cẩn thận từng gốc hoa từ việc vun trồng, tưới tiêu, bắt sâu hằng ngày. Bởi thế mà lá luôn xanh tươi, mượt mà, thân cây chắc và khỏe, ít bị sâu bệnh hại. Bàn tay của ba đã làm nên vẻ đẹp tuyệt vời của vườn hoa nhà em.
Rất nhiều người vẫn trầm trồ khen ngợi vườn hoa đầy đủ màu sắc của gia đình em. Em cũng thấy yêu những cây hoa, nhưng bông hoa mà ba đã vun trồng hằng ngày.
Tuần 29: Ôn tập về: Phân số, số thập phân, đo độ dài, đo khối lượng
Bài 2: Có trách nhiệm về việc làm của mình
Tuần 31: Ôn tập về: Phép trừ, phép nhân, phép chia
TIẾNG VIỆT 5 TẬP 1
Bài 1: Em làm học sinh lớp 5