Dàn ý
Dàn ý
I. MỞ BÀI
- Ngày trước, nhà nước phong kiến với bộ máy lãnh đạo - tức vua quan trong triều đình càng có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với quốc gia.
- Tìm hiểu về hai văn bản “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn và “Hịch tướng sĩ" của vị Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo, ta sẽ hiểu rõ thêm về vấn đề này.
II. THÂN BÀI
1. Văn bản: “Chiếu dời đô” với Lý Công Uẩn
- Tuy là viết theo thể loại chiếu, chuyên dùng để ban bố mệnh lệnh của vua đến nhân dân nhưng Lý Công Uẩn lại viết một cách nhẹ nhàng, phân tích kỹ càng những thuận lợi của kinh đô mới Đại La, còn có ý muốn hỏi ý kiến quần thần, dân chúng: “...các khanh thấy thế nào?”.
- Một người lãnh đạo anh minh còn biết chăm lo cho hạnh phúc lâu bền của chúng dân, không chạy theo cái lợi trước mắt mà quên đi cái lâu dài. Lý Công Uẩn là một trong số những vị vua anh minh như thế.
- Ông chọn kinh đô ở Đại La không phải ngẫu nhiên, mà ông đã qua quan sát, nghiên cứu thật nhiều lần. Đại La là nơi trung tâm, hội tụ của nhiều con sông lớn, lại nằm ở đồng bằng nên rất thuận tiện cho việc đi lại; nơi đây còn có mưa thuận gió hòa, đất đai màu mỡ, dân chúng sống trong sung túc, ấm no, muôn vật phong phú tốt tươi,...
- Theo Lý Công Uẩn, nó xứng đáng là "kinh đô của bậc đế vương muôn đời".
- Ông chọn kinh đô mới vì dân chúng, để phát triển đất nước chứ không cam để kinh đô nằm khuất sâu trong rừng núi, chỉ phù hợp khi cần phòng thủ như Hoa Lư.
- Nhờ tầm nhìn xa trông rộng ấy mà đất nước ta vững bền đến ngàn năm và ngôi thành Đại La, sau đổi tên thành Thăng Long, tức rồng bay lên, tồn tại, gắn bó suốt mấy thế kỉ cùng với triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Lý Công Uẩn, dù là vị vua, theo chế độ phong kiến, nhưng ông đã phần nào mang đến khái niệm “dân chủ”, một khái niệm rất tiến bộ sau này, là lấy dân làm chủ, triều đình, nhà nước chỉ đơn thuần là giúp đỡ nhân dân có được hạnh phúc lâu bền.
2. Văn bản: “Hịch tướng sĩ” với Trần Quốc Tuấn
- Hưng Đạo Vương Trần Ọuốc Tuấn lại có cách nghĩ của một vị minh tướng thời loạn lạc: có sự khoan dung, và có sự nghiêm khắc.
- Đất nước đang phải đối đầu với giặc Nguyên - Mông mạnh nhất thời bấy giờ, với số thuộc địa trải dài từ Trung Quốc đến tận Châu Âu.
- Ông biết, sự đoàn kết với lòng dân sẽ là chìa khóa cho vận mệnh đang lâm nguy của nước nhà.
- Chính ông đã đi đầu trong việc đoàn kết mọi người, bằng cách gỡ bỏ mọi hiềm khích giữa ông và nhà vua.
- “Hịch tướng sĩ" ra đời. Bài “hịch” quả thật có tác động rất mạnh mẽ nhờ ông biết cách phân tích cái hậu quả của việc nhu nhược, yếu đuối, sợ hãi dưới góc nhìn của một người dân, chứ không phải một vị tướng và bày tỏ thái độ căm thù giặc: “dù trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng"
- Nhờ hiểu dân, từ đó thương dân nên Trần Quốc Tuấn đã cầm được phần thẳng trong tay bọn giặc mạnh nhất.
III. KẾT BÀI
- Qua hai văn bản ‘‘Chiếu dời đô” và “Hịch tướng sĩ” đã cho tôi hiểu rõ vai trò của những vị lãnh dạo anh minh.
- Những người lãnh đạo chính là những người nắm giữ vận mệnh đất nước, chính họ đã cho tôi Việt Nam ngày hôm nay, tôi rất biết ơn họ và tự hào rằng mình là người Việt Nam.
Bài mẫu
Bài mẫu
Đối với một quốc gia, nhắc đến những nhà lãnh đạo đất nước là nhắc đến những người đứng đầu bộ máy hành chính nhà nước hay tổ chức quân sự, văn hoá...
Đứng trên cương vị một nhà lãnh đạo, trước hết họ phải là những người có tầm nhìn xa trông rộng, nhận định đúng tình hình đất nước, từ đó xác định đúng nhiệm vụ của cả dân tộc.
Lí Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn đều là những nhà lãnh đạo tài ba, uyên bác thông hiểu kim cổ đông tây. Vị vua đầu tiên của triều Lý đã nhắc đến gương chuyển đô của vua Bàn Canh nhà Thương, nhà Chu. Trần Quốc Tuấn lại nêu gương những anh hùng hào kiệt, biết xả thân vì chủ tướng vì đất nước: Do Vu, Dự Nhượng, Kỉ Tín,... Có thể nói, biết "ôn cố" để "tri tân" là một trong những tố chất không thể thiếu của một nhà lãnh đạo. Và từ việc "nhớ chuyện cũ", các nhà lãnh đạo tài ba đã thể hiện thiên năng "biết chuyện mới, chuyện đời nay" rất tài tình.
Nhà Đinh, Lê "không noi theo dấu cũ Thương Chu" giữ nguyên vị trí kinh đô tại Hoa Lư mà đất Hoa Lư chỉ là chốn núi rừng hiểm trở, khắc nghiệt. Điều đó khiến thời vận đất nước gặp nhiều trắc trở. Lịch sử cũng đã chứng minh điều đó, hai nhà Đinh Lê triều vận ngắn ngủi, nhân dân gặp nhiều khó khăn. Có thể nói, việc phê phán hai triều Đinh, Lê một phần lớn đã thể hiện tầm nhìn lãnh đạo của Lí Công Uẩn. Ông đã nhìn rõ một thực tế quan trọng: đất nước đang bước vào thời bình, Hoa Lư không còn phù hợp với vị thế kinh đô nữa!
Trần Quốc Tuấn cũng vậy. Từ thực tế của việc giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta lần một và thái độ của chúng hiện nay, ông đã thấu rõ nguy cơ của một cuộc chiến chống xâm lược. Sang nước ta, quân Nguyên Mông “uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt Tể phụ”, “đi lại nghênh ngang”, bắt dân ta cống nạp khoáng sản, vàng bạc.. Vậy rõ ràng, chúng chưa hề thấm thía bài học từ thất bại của cuộc xâm lược lần một và đang mưu mô cuộc chiến tranh ăn cướp lần hai.
Giặc như vậy còn lực lượng quân sĩ ta thì sao? Vị nguyên soái lỗi lạc thêm một lần đau xót khi chứng kiến thực cảnh binh sĩ dưới quyền lơ là mất cảnh giác trước nguy cơ mất nước. Họ “hoặc thích chọi gà, hoặc mê tiếng hát”, chơi cờ... Ông cay đắng chỉ ra một điều tất yếu là khi giặc đến những thú vui ấy chỉ trở thành tai họa “cựa gà trống không đâm thủng áo giáp của giặc”, “tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai", “mẹo đánh cờ không thể dùng làm mưu lược nhà binh”…
Từ việc nhìn nhận thấu suốt tình hình đất nước, các nhà lãnh đạo anh minh đều xác định rõ nhiệm vụ của quân và dân. Điều quan trọng là họ có những quyết định đúng đắn, những hành động táo bạo để đưa đất nước đển được bến bờ của sự bình yên và phát triển.
Lí Công Uẩn xác định nhiệm vụ hiện tại là cần dời đô khỏi Hoa Lư. Nhưng dời đô đến đâu? "Thành Đại La.. là nơi trung tâm trời đất,có thế rồng cuộn hổ ngồi lại tiện hướng nhìn sông dựa núi, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật phong phú tốt tươi. Xem khắp nước Việt ta chỉ có nơi đây là thánh địa”. Từ việc có ý thức sâu sắc ưu thế của thành Đại La đối với việc phát triển đất nước, Lí Công Uẩn đã có quyết định đúng đắn là thiên đô về mảnh đất văn hiến này.
Trần Quốc Tuấn trên cương vị Tổng chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông đã khẳng định ý chí đánh giặc của toàn dân tộc đồng thời khuyến khích, động viên tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Ông khuyên quân sĩ phải biết “kiêng canh nóng mà thổi rau nguội”, phải biết ra sức tập luyện để sẵn sàng chiến đấu. Không chỉ vậy, ông còn soạn thảo “Binh thư yếu lược” làm sách lược cho binh sĩ tập luyện, rèn quân.
Có thể nói, tấm lòng yêu nước của các tác giả được thể hiện qua hai văn bản “Chiếu dời đô” của Lí Công Uẩn, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn” rất đa dạng, nhiều vẻ khác nhau song đều tựu chung ở mong muốn đất nước an bình, phát triển trù phú. Tấm lòng đó chẳng những được thể hiện một cách cảm động qua hai văn bản mà còn được hai nhà lãnh đạo kì tài chứng minh bằng những đóng góp thực tiễn cho lịch sử phát triển hào hùng của dân tộc.
Các bài tập làm văn
Unit 8: English speaking countries
Bài 23
Bài 8: Lập kế hoạch chi tiêu
Unit 11: Science and technology
Soạn văn siêu ngắn Lớp 8
Tuyển tập những bài văn hay Ngữ văn 8 - Chân trời sáng tạo
SBT Ngữ văn 8 - Chân trời sáng tạo
Tuyển tập những bài văn hay Ngữ văn 8 - Kết nối tri thức với cuộc sống
SBT Ngữ văn 8 - Kết nối tri thức với cuộc sống
SGK Ngữ văn 8 - Cánh Diều
VBT Ngữ văn 8 - Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài giảng ôn luyện kiến thức môn Ngữ Văn lớp 8
Tổng hợp Lí thuyết Ngữ văn 8
SGK Ngữ văn 8 - Kết nối tri thức với cuộc sống
Tuyển tập những bài văn hay Ngữ văn 8 - Cánh Diều
SGK Ngữ văn 8 - Chân trời sáng tạo
SBT Ngữ văn 8 - Cánh Diều
Soạn văn chi tiết Lớp 8
Tác giả - Tác phẩm văn Lớp 8
Vở bài tập Ngữ văn Lớp 8