Đề thi vào 10 môn Văn Tuyên Quang

Đề thi vào 10 môn Văn Tuyên Quang năm 2021

Đề bài

PHẦN I (6.0 điểm)

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

Người đồng minh thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con.

(Trích Nói với con - Y Phương, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.2)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1 (0,5 điểm) Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (0,75 điểm) Tìm và cho biết tác dụng của biện pháp tu từ so sánh có trong đoạn trích.

Câu 3 (0,75 điểm) Chỉ ra thành ngữ có trong đoạn trích và cho biết ý nghĩa của thành ngữ đó.

Câu 4 (2,0 điểm) Từ nội dung gợi ra của các câu thơ: Sống như sống như suối / Lên thác xuống ghềnh / Không lo cực nhọc, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò của ý chí con người trong cuộc sống.

PHẦN II (6,0 điểm) Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bé Thu trong đoạn trích Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng (Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.195-200).

Lời giải chi tiết

Phần I.

Câu 1.

Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Phương pháp: căn cứ tác phẩm Nói với con, các thể thơ đã học

Cách giải:

Đoạn trích trên được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2.

Tìm và cho biết tác dụng của biện pháp tu từ so sánh có trong đoạn trích

Phương pháp: căn cứ bài So sánh, phân tích

Cách giải:

Biện pháp tu từ so sánh: “Sống như sông như suối”

=> Thể hiện sự mộc mạc, hồn nhiên, khoáng đạt của người đồng mình, họ luôn sống gần gũi và chan hòa với thiên nhiên. Ngoài ra, “sống như sông như suối” còn thể hiện được sức sống dẻo dai, bền bỉ, giàu nghị lực của người đồng mình.

Câu 3.

Chỉ ra thành ngữ có trong đoạn trích và cho biết ý nghĩa của thành ngữ đó.

Phương pháp: căn cứ bài Thành ngữ, phân tích

Cách giải:

Thành ngữ có trong bài thơ là “Lên thác xuống ghềnh”.

⇒   Nhấn mạnh nỗi vất vả, khó nhọc trong cuộc sống làm ăn của “người đồng mình”.

Câu 4.

Từ nội dung gợi ra của các câu thơ: Sống như sống như suối / Lên thác xuống ghềnh / Không lo cực nhọc, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò của ý chí con người trong cuộc sống.

Phương pháp: phân tích, giải thích, tổng hợp

Cách giải:

1.Giới thiệu vấn đề: vai trò của ý chí con người trong cuộc sống.

2. Giải quyết vấn đề

- Ý chí là bản lĩnh, sự dũng cảm và lòng quyết tâm cố gắng vượt qua thử thách dù khó khăn, gian khổ đến đâu để đạt được mục tiêu đề ra.

- Người có ý chí nghị lực là người luôn vượt qua mọi khó khăn, không ngại gian khổ, thử thách.

- Vai trò của ý chí:

+ Nghị lực giúp con người đối chọi với khó khăn, vượt qua thử thách của cuộc sống một cách dễ dàng hơn. Ví dụ: Bill Gate…

+ Có niềm tin vào bản thân, tinh thần lạc quan để theo đuổi đến cùng mục đích, lí tưởng sống.

+ Thay đổi được hoàn cảnh số phận, cuộc sống có ích, có ý nghĩa hơn.

+ Trở thành những tấm gương về ý chí, nghị lực vượt lên số phận.

+ Người có ý chí nghị lực sẽ luôn được mọi người ngưỡng mộ, cảm phục, đồng thời tạo được lòng tin ở người khác.

- Phê phán những người không có ý chí, gặp khó khăn thường lẩn tránh hoặc bỏ cuộc.

3. Tổng kết vấn đề

Phần II.

Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bé Thu trong đoạn trích Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng (Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.195-200).

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Giới thiệu luận đề: Diễn biến tâm trạng của bé Thu

2. Thân bài:

* Tâm trạng của bé Thu trước khi nhận ra cha:

- Thu thương cha như thế. Ta tưởng chừng như khi được gặp cha, nó sẽ bồi hồi, sung sướng và sà vào vòng tay của ba nó nũng nịu với tình cảm mãnh liệt hơn bao giờ hết. Nhưng không, Thu đã làm cho người đọc phải bất ngờ qua hành động quyết liệt không chịu nhận ông Sáu là ba. “Nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn…ngơ ngác, lạ lùng…”

- Khi ông Sáu đến gần, giọng lặp bặp run run: “Ba đây con! Ba đây con” thì “Con bé thấy lạ quá, mặt bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: Má! Má!”. Sự lạ lẫm ấy khiến ông Sáu vô cùng hụt hẫng

- Suốt ba ngày, ông Sáu chẳng đi đâu xa, muốn ở bên con vỗ về, chăm sóc, bù đắp cho con sự thiếu thốn tình cảm. Song, ông càng xích lại gần thì nó càng tìm cách xa lánh, nhất định không gọi một tiếng “ba”. Khi má dọa đánh bắt kêu “ba” vào ăn cơm, nó nói trổng: “Vô ăn cơm!”; “Cơm chín rồi!”; “Con kêu rồi mà người ta không nghe”. Hai tiếng “người ta” làm ông Sáu đau lòng đến mức không khóc được, chỉ khe khẽ lắc đầu cười.

- Đến bữa sau, má giao cho nó nhiệm vụ ở nhà trông nồi cơm, nó không thể tự chắt nước. Tưởng chừng nó phải cầu cứu đến người lớn, phải gọi “ba”. Nhưng quyết không, nó vẫn nói trổng “Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái!”. Bác Ba mở đường cho nó, nhưng nó không để ý, nó lại kêu “Cơm sôi rồi, nhão bây giờ!”. Ông Sáu cứ vẫn ngồi im. Và nó đã tự mình làm lấy công việc nguy hiểm và quá sức, mà nhất định không chịu nhượng bộ, nhất định không chịu cất lên cái tiếng mà ba nó mong chờ.

- Đỉnh điểm của kịch tính: bé Thu hất cái trứng cá mà ông Sáu đã gắp cho nó, làm cơm văng tung tóe. Ông Sáu không thể chịu đựng nổi nữa trước thái độ lạnh lùng của đứa con gái mà ông hết mực yêu thương, ông đã nổi giận và chẳng kịp suy nghĩ, ông vung tay đánh vào mông nó. Bị ông Sáu đánh, Thu không khóc, gắp lại trứng cá rồi bỏ sang nhà ngoại, lúc đi còn cố ý khua dây lòi tói kêu rổn rảng.

=> Những chi tiết bình thường mà tinh tế này chứng tỏ nhà văn rất thấu hiểu tâm lí trẻ em. Trẻ con vốn rất thơ ngây nhưng cũng đầy cố chấp, nhất là khi chúng có sự hiểu lầm, chúng kiên quyết chối từ tình cảm của người khác mà không cần cân nhắc, nhất là với một cô bé cá tính, bướng bỉnh như Thu. Người đọc nhiều khi thấy giận em, thương cho anh Sáu. Nhưng thật ra em vẫn là cô bé dễ thương. Bởi nguyên nhân sâu xa của sự chối từ ấy vẫn là tình yêu ba. Tình yêu đến tôn thờ, trung thành tuyệt đối với người ba trong tấm ảnh chụp chung với má – người ba với gương mặt không có vết thẹo dài.

* Tâm trạng của bé Thu khi nhận ra cha:

- Tình yêu ba trong bé Thu đã trỗi dậy mãnh liệt vào cái giây phút bất ngờ nhất, giây phút ông Sáu lên đường trong nỗi đau vì không được con đón nhận. Bằng sự quan sát tinh tế, bác Ba là người đầu tiên nhận ra sự thay đổi của Thu trong “vẻ mặt sầm lại buồn rầu”, “đôi mắt như to hơn nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa”. Điều đó cho thấy trong tâm hồn đứa trẻ nhạy cảm như Thu đã có ý thức về cảm giác chia li, giây phút này em thèm biểu lộ tình yêu với ba hơn hết, nhưng sự ân hận về những gì mình đã làm ba buồn khiến em không dám bày tỏ. Để rồi tình yêu ba trào dâng mãnh liệt trong em vào khoảnh khắc ba nhìn em với cái nhìn trìu mến, giọng nói ấm áp “thôi, ba đi nghe con!”.

- Đúng vào lúc không một ai ngờ tới, kể cả ông Sáu, Thu thốt lên tiếng kêu thét “Ba…a…a…ba!”. “Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và ruột gan mọi người nghe thật xót xa”. Đó là tiếng “ba” nó cố kìm nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như “vỡ tung ra từ đáy lòng nó”. Tiếng gọi thân thương ấy đứa trẻ nào cũng gọi đến thành quen nhưng với cha con Thu là nỗi khát khao của 7 năm trời xa cách thương nhớ. Đó là tiếng gọi của trái tim, của tình yêu trong lòng đứa bé 8 tuổi mong chờ giây phút gặp ba.

- Đi liền với tiếng gọi là những cử chỉ vồ vập, cuống quýt trong nỗi ân hận của Thu. Như một con sóc, nó chạy xô tới, nhảy thót lên, dang chặt hai tay ôm lấy cổ ba, hôn ba cùng khắp, hôn tóc, hôn cổ, hôn vai, hôn cả vết thẹo dài trên má, khóc trong tiếng nấc, kiên quyết không cho ba đi…Cảnh tượng ấy tô đậm thêm tình yêu mãnh liệt, nỗi khát khao mong mỏi mà Thu dành cho ba. Phút giây ấy khiến mọi người xung quanh không ai cầm được nước mắt và bác Ba “bỗng thấy khó thở như có bàn tay ai nắm chặt trái tim mình”.

- Dường như nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng muốn kéo dài thêm giây phút chia ly của cha con Thu trong cảm nhận của người đọc bằng cách rẽ mạch truyện sang một hướng khác, để bác Ba nghe bà ngoại Thu kể lại cuộc chuyện trò của hai bà cháu đêm qua. Chi tiết này vừa giải thích cho ta hiểu thái độ bướng bỉnh không nhận ba hôm trước của bé Thu và sự thay đổi trong hành động của em hôm nay. Như vậy, trong lòng cô bé, tình yêu dành cho ba luôn là một tình cảm thống nhất, mãnh liệt. Dù cách biểu hiện tình yêu ấy thật khác nhau trong hai hoàn cảnh, nhưng nó vẫn xuất phát trừ một cội nguồn trong trái tim đứa trẻ luôn khao khát tình cha.

- Tuy nhiên, Thu trước sau vẫn chỉ là một cô bé ngây thơ, em đồng ý cho ba đi để ba mua một chiếc lược, món quà nhỏ mà bất cứ em bé gái nào cũng ao ước. Bắt đầu từ chi tiết này, chiếc lược ngà bước vào câu chuyện, trở thành một chứng nhân âm thầm cho tình cha con thiêng liêng, bất tử.

* Đánh giá:

Qua những biểu hiện tâm lí và hành đông của bé Thu, người đọc cảm nhận được tình cảm sâu sắc, mạnh mẽ nhưng cũng thật dứt khoát, rạch ròi của bé Thu. Sự cứng đầu, tưởng như ương ngạnh ở Thu là biểu hiện của một cá tính mạnh mẽ (cơ sở để sau này trở thành một cô giao liên mưu trí, dũng cảm). Tuy nhiên, cách thể hiện tình cảm của em vẫn rất hồn nhiên, ngây thơ. Qua những diễn biến tâm lí của Thu, ta thấy tác giả đã tỏ ra rất am hiểu tâm lí trẻ thơ và diễn tả rất sinh động với tấm lòng yêu mến, trân trọng những tình cảm trẻ thơ.

3. Kết bài:

- Tổng kết vấn đề nghị luận.

 
Fqa.vn
Bình chọn:
0/5 (0 đánh giá)
Báo cáo nội dung câu hỏi
Bình luận (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận
Bạn chắc chắn muốn xóa nội dung này ?
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn
Location Địa chỉ: Số 21 Ngõ Giếng, Phố Đông Các, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Tải ứng dụng FQA
Người chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Tuấn Quang Giấy phép thiết lập MXH số 07/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 05/01/2024
Copyright © 2023 fqa.vn All Rights Reserved