Đề kiểm tra 15 phút - Học kì 2 - Ngữ văn 12

14. Đề số 14 - Đề kiểm tra 15 phút - Học kì 2 - Ngữ văn 12

Đề bài

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi nêu ở dưới:

Con cứ đi đi rồi con sẽ hiểu.

Không có con đường nào dài bằng suy nghĩ của con đâu,

Không có cánh rừng nào nhiều cây bằng suy nghĩ của con đâu.

Con hãy đi đi!

Vượt Trường Sơn đến tận mũi Cà Mau,

Con sẽ thấy suy nghĩ của con phải gấp đi, gấp lại, như cuộn dây thừng cha đang cầm trên tay đây.

Tất cả những con đường con sẽ đi chỉ dài bằng đoạn gấp.

Còn suy nghĩ của con sẽ dài bằng cả sợi dây thừng.

(...)

Điều nhớ nhất là trung thực

Đấy, cha đã phải tự nói ra hai chữ ấy, tức là cha đã phải cắt một đoạn ruột của cha cầm trong tay để con được nhìn tận mắt.

Nói như vậy để rõ rằng cha không có lỗi

Nếu còn đi được bằng hai chân về đứng trước mặt cha, may ra con mới hiểu được một chữ.

(...)

Người ta ví chiều cao của núi Thái Sơn và cái vô tận của cái vô nguồn

Núi Thái Sơn rất cao nhưng vẫn là một chiều cao

Con không được lấy chiều cao ấy mà đo công lao của cha.

Nếu dùng chiếc cân, nếu dùng cây thước, để làm rõ ra tình yêu thì đó là điều tàn nhẫn của con người.

Hãy lương thiện hơn trong việc này nếu con không bao giờ nghĩ về cha như người đời đang nghĩ.

Hãy đi đi!

Học lấy những điều dại

Để gấp khúc những suy nghĩ của mình lại thành cuộn thừng lớn,

Lúc đó con sẽ yêu quý cha bằng cả sợi dây thừng.

(Ra đi - 1984 - Phùng Khắc Bắc)

Câu 1: Ở đoạn 1, người cha đã so sánh suy nghĩ của người con với những hình ảnh nào?

Câu 2: Theo người cha, điều nhớ nhất là gì? Người cha đã nói gì về điều nhớ nhất ấy?

Câu 3: Anh/ chị có đồng tình với suy nghĩ của người cha khi nhắc con không được lấy chiều cao của núi Thái Sơn, chiếc cân, cây thước để đo công lao, tình yêu không? Vì sao?

Lời giải chi tiết

Câu 1. Ở đoạn 1, người cha đã so sánh suy nghĩ của người con với hình ảnh con đường, cánh rừng, sợi dây

Câu 2. Theo người cha, điều nhớ nhất là sự trung thực. Với người cha, trung thực cũng có nghĩa là phơi ruột mình ra cho người khác thấy.

Câu 3. Học sinh nêu quan điểm của bản thân. Gợi ý: 

- Đồng tình: không được lấy chiều cao của núi Thái Sơn, chiếc cân, cây thước để đo công lao, tình yêu bởi công lao, tình yêu mà những người thân dành cho mình là không thể và không nên đo đếm. Mọi sự đo đếm công lao, tình yêu đều là biểu hiện của sự rạch ròi, sòng phẳng đến lạnh lùng. Trong những mối quan hệ thiêng liêng, sòng phẳng rạch ròi quá cũng là bạc bẽo.

- Không đồng tình: chiều cao của núi Thái Sơn, chiếc cân, cây thước thực ra chỉ là một cách nói ước lệ để khẳng định cái lớn lao của công lao, sức nặng, giá trị của tình yêu chứ không phải là sự đo đếm kiểu sòng phẳng, lạnh lùng.

- Không hoàn toàn đồng tình: đồng tình là không thể dùng chiếc cân, cây thước để đo công lao, tình yêu vì mọi sự đo đếm công lao, tình yêu đều là bất nhẫn, là thái độ, cách ứng xử không nên có với những người thân. Nhưng núi Thái Sơn là một hình ảnh ước lệ, nó không có ý nghĩa đo đếm mà vốn chỉ được dùng để nhấn mạnh tầm vóc của công lao, tình yêu thương. Dùng hình ảnh ấy để nói về công lao, tình yêu không hề phản cảm.

(Học sinh được quyền chọn một trong ba thái độ và đề xuất những cách lý giải phù hợp)

Fqa.vn
Bình chọn:
0/5 (0 đánh giá)
Báo cáo nội dung câu hỏi
Bình luận (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận
Bạn chắc chắn muốn xóa nội dung này ?
FQA.vn Nền tảng kết nối cộng đồng hỗ trợ giải bài tập học sinh trong khối K12. Sản phẩm được phát triển bởi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
Điện thoại: 1900636019 Email: info@fqa.vn
Location Địa chỉ: Số 21 Ngõ Giếng, Phố Đông Các, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Tải ứng dụng FQA
Người chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Tuấn Quang Giấy phép thiết lập MXH số 07/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 05/01/2024
Copyright © 2023 fqa.vn All Rights Reserved