Đề bài: Cảm nhận về hình tượng con sông Đà trong thiên tùy bút Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân
BÀI LÀM
A. Mở bài
- Nguyễn Tuân là nhà văn lớn, nổi tiếng ngay từ trước Cách mạng tháng Tám, ông đã “lột xác”, hòa mình vào cuộc sống mới của dân tộc. Nguyễn Tuân hăng hái tham gia sự nghiệp chung của Cách mạng, với cảm hứng mới mẻ về đất nước, nhân dân và một phong cách nghệ thuật đầy tài năng, đã viết nên tập
- "Tùy bút Sông Đà" (1960). Tác phẩm là kết quả chuyến đi thực tế Tây Bắc 1958 của nhà văn. Phong cảnh Tây Bắc hiện ra trong sông Đà thể hiện tình yêu thiên nhiên đất nước sâu đậm của Nguyễn Tuân.
- Một trong những bài tùy bút nổi tiếng của Nguyễn Tuân trong tập kí "Sông Đà" là "Người lái đò Sông Đà".
B. Thân bài
Hai hình ảnh nổi bật trong hình ảnh lái đò sông Đà là ông lái đò và dòng sông Đà. Dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, sông Đà không phải là thiên nhiên vô tri vô giác mà là một hình thể có hoạt động, có tính cách, cá tính, tâm trạng khá phức tạp. Nó có hai nét tính cách cơ bản là “con sông Tây Bắc hung bạo và trữ tình", khi hung bạo thì như “một thứ kẻ thù số một”, khi trữ tình thì lại đầy chất thơ và thân thiết với con người như một “cố nhân".
1. Sông Đà hung hạo
- Là bài tùy bút pha bút kí, tác giả đã khảo tìm để biết sông đà bắt nguồn từ đâu, xa xưa có tên gọi là gì, có bao nhiêu thác... Đoạn sông Đà ở thượng nguồn, lòng hẹp, bờ là những vách đá dựng đứng được mô tả bằng những hình ảnh chính xác: “vách đá chẹt lòng sông; ngồi trong khoang đò qua quãng ấy mùa hè cũng thấy lạnh; chỉ lúc đúng ngọ mới thấy ánh mặt trời”... Có khi là những hình ảnh so sánh mới lạ đến bất ngờ; vách đá chẹt lòng sông “như một cái yết hầu'', ngồi dưới khoang đò “như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào lên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt vụt đèn điện...
- Đọc Người lái đò Sông Đà ta cảm thấy như tất cả đều náo động. Sông Đà như gào thét lên muôn vàn âm thanh...“nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn...”. Nhà văn sử dụng một cách chọn lọc những hình ảnh nhân hóa để làm sống dậy một cách dữ dội những hình thù đá vô tư: một hòn “tròn nghiêng thì y như là đang hất hàm hỏi cái thuyền" một cách hỗn láo, xấc xược; một hòn khác thì “lùi lại một chút" và “thách thức cái thuyền có giỏi thì tiến gần vào”... những hòn đá ngỗ ngược trên dòng sông như lúc nào cũng nhất tề “nhổm cả dậy để vố lấy thuyền"...
- Sông Đà như một “trùng vi thạch trận" với đủ cả “cửa sinh”, "cửa tử", với những binh đoàn của đá, của sóng, của xoáy hút..với những “hùng tiền vệ". những “bong ke", “pháo đài"... với đủ cả "đòn âm”, “đòn tỉa"... thác sông Đà có khi nghe như là “oán trách”, “van xin”, có khi bừng thét lên “cuồng loạn và man dại, ầm ầm và đập rung chuyển cả núi rừng"..., có khi nó rống lên như tiếng một “ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa đổ lửa"... Sông Đà ở thượng nguồn, như sẵn sàng “đánh cho tan tành" hoặc “nuốt chửng" những con thuyền...
2. Sông Đà “trữ tình", thơ mộng
- Sông Đà có cái vẻ khác thường như lời của tác giả: “Chúng thủy giai đông tẩu, đà gian độc bắc lưu”. Nhưng không phải vì thế mà sông Đà không thứ mộng, trữ tình. Sông Đà hiện ra thông qua sự quan sát, liên tưởng, cảm nhận và mô tả của tác giả mang một vẻ đẹp phong phú, huyền ảo. Sông Đà “tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo...”. Nước sông Đà có sắc màu biến đổi theo mùa, mỗi mùa một vẻ đẹp: qua làn mây mùa xuân, sông Đà có màu xanh ngọc bích, trong ánh nắng thu sông Đà có màu đỏ lừ...
- Với mỗi người, mỗi lúc sông Đà khơi gợi sự cảm nhận khác nhau: có khi "như một cố nhân", có khi “sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích ngày xưa", có khi “như người tình nhân chưa quen biết". Đúng là “Dải Sông Đà bọt ước lênh bênh - Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình" - Tản Đà ....
3. Kết bài:
- Với tình yêu thiên nhiên, sông núi kì vĩ của Tổ quốc, với sự tài hoa, uyên bác của mình, nhà văn mô tả vẻ đẹp của sông Đà một cách đa dạng, biến hóa, muôn màu muôn vẻ. Đọc Người lái đò Sông Đà, có lẽ người đọc càng cảm nhận sâu sắc ý nghĩa khái quát của lời thơ đề từ “đẹp vậy thay, tiếng hát trên dòng sông”.
- Toàn cảnh sông Đà được mô tả độc đáo, hấp dẫn chính là sự kết hợp hai tính chất trái ngược nhau: hung bạo và trữ tình. Sông Đà có khi hiểm ác, gây hại cho con người, nhưng sông Đà là một công trình nghệ thuật tuyệt mĩ của tạo hóa, tạo nên vẻ hùng vĩ thơ mộng cho đất nước, tạo nên chất men say cho sự sống con người. Bằng nét bút tài hoa, uyên bác, trí tưởng tượng phong phú, vận dụng nhiều ngành văn hóa nghệ thuật khác nhau, cách đặt câu, dùng từ điêu luyện... Nguyễn Tuân đã miêu tả vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của con sông Đà. Qua bài tùy bút Người lái đò Sông Đà, ông không dừng lại ở việc thưởng thức vẻ đẹp thuần túy của thiên nhiên mà biểu hiện ở tình cảm yêu mến, gắn bó tha thiết với quê hương đất nước.
Bài giảng ôn luyện kiến thức giữa học kì 2 môn Hóa học lớp 12
Bài giảng ôn luyện kiến thức cuối học kì 1 môn Hóa học lớp 12
Bài 19. Thực hành: Vẽ biểu đồ và phân tích sự phân hóa về thu nhập bình quân theo đầu người giữa các vùng
Unit 13: The 22nd Sea Game - Đông Nam Á Vận Hội Lần Thứ 22
Chương 6. Lượng tử ánh sáng